Tác động của các phản ứng chính sách của chính phủ trong đối phó với đại dịch Covid-19 đến thương mại quốc tế: Bằng chứng từ các quốc gia châu Á (31/03/2022)

Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ đối với thế giới, tác động tiêu cực đến thương mại quốc tế. Các chính sách của chính phủ các nước nhằm kiểm soát dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất nhập khẩu. Bài viết đánh giá tác động của các phản ứng chính sách đối phó với đại dịch Covid-19 tới xuất khẩu và nhập khẩu và chỉ ra mức độ khác nhau của tác động này giữa các quốc gia. Sử dụng dữ liệu của 42 quốc gia/vùng lãnh thổ tại châu Á, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng tồn tại tác động ngược chiều của các phản ứng chính sách đối phó với đại dịch Covid-19 đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về mức độ tác động của phản ứng chính sách đối phó với đại dịch Covid-19 tới xuất khẩu và nhập khẩu giữa các quốc gia.
Tác giả: Bùi Quang Tuấn, Đồng Bích Ngọc, Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Võ Khánh Việt

Nền kinh tế Mỹ trong hơn ba thập niên trở lại đây (31/03/2022)

Nền kinh tế Mỹ trong hơn ba thập niên trở lại đây (1990-2021) chịu nhiều cú sốc lớn như: sự bùng nổ và tan vỡ của bong bóng công nghệ vào cuối những năm 1990; cuộc tấn công khủng bố vào Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở thành phố New York năm 2001, sau đó là giá dầu thế giới tăng cao kỷ lục và cuộc khủng hoảng thị trường tài chính; đại dịch Covid-19 kể từ năm 2020. Chính phủ Mỹ đã có nhiều chính sách khác nhau để phản ứng với các cú sốc này. Các cú sốc kết hợp với phản ứng chính sách đã tạo nên kết quả tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát rất khác nhau ở mỗi giai đoạn. Bài viết tổng hợp quá trình phát triển nền kinh tế Mỹ trong hơn ba thập niên qua với nhiều sắc thái qua mỗi giai đoạn.
Tác giả: Lê Thị Thu Hằng, Phạm Sỹ An

Khuynh hướng sáng tác tiểu thuyết ở Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI (31/03/2022)

Bước sang thế kỷ XXI, sự đổi mới trong sáng tác của văn học Trung Quốc đến từ một số yếu tố như: nhà văn, độc giả, tình hình xã hội, kinh tế và văn hóa. Các khuynh hướng sáng tác mới không những manh nha từ những năm cuối thế kỷ XX mà còn được hình thành chủ yếu bởi sự cách tân của nhà văn hay thị hiếu của độc giả. Trong đó, tiểu thuyết Trung Quốc có một số khuynh hướng sáng tác nổi bật như: khuynh hướng sáng tác về thân thể, khuynh hướng sáng tác thông tục, khuynh hướng sáng tác cá nhân hóa, khuynh hướng sáng tác Âu hóa. Trên cơ sở phân tích, tổng hợp, so sánh; nghiên cứu thông tin; tiếp cận lịch sử - logic về các khuynh hướng sáng tác tiểu thuyết Trung Quốc tại Trung Quốc, bài viết làm rõ diện mạo mới và sự phát triển ngày càng đa dạng của tiểu thuyết Trung Quốc trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI.
Tác giả: Nguyễn Thị Hiền

Tương đồng văn học Việt - Hàn giai đoạn trung kỳ trung đại (thế kỷ XV - XVII) (31/03/2022)

Tiếp cận từ phương diện lịch sử, giai đoạn trung kỳ trung đại (thế kỷ XV - XVII) là giai đoạn tương đồng giữa thời hậu Lê - Mạc - Trịnh - Nguyễn (từ năm 1400 đến hết thế kỷ XVII) của Việt Nam và quá nửa triều đại Choson (từ năm 1392 đến hết thế kỷ XVII) của Hàn Quốc… Tập trung phân tích, lý giải văn học Hàn Quốc giai đoạn này có phần rộng mở hơn, ly tâm nhiều hơn. Trên cơ sở đó, cả về số lượng tác phẩm và hình thức thể loại cũng phong phú hơn, đặc biệt với việc xuất hiện loại chữ Hangul ghi âm tiếng Hàn và dòng tiểu thuyết chữ Hàn.
Tác giả: Nguyễn Hữu Sơn

Văn bia chữ Hán về người Hoa ở các địa phương miền Bắc Việt Nam (31/03/2022)

Văn bia chữ Hán về người Hoa gắn với hoạt động của họ ở các địa phương miền Bắc Việt Nam xuất hiện chủ yếu trong thời kỳ nhà Lê và nhà Nguyễn từ nửa sau thế kỷ XVII đến những năm đầu thế kỷ XX. Thông qua tư liệu thác bản văn bia tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và tư liệu thu thập được trong quá trình điền dã (trong 2 năm 2019-2020), bài viết hệ thống tư liệu văn bia chữ Hán về người Hoa ở các địa phương phía Bắc Việt Nam; cũng như khai thác thông tin tư liệu tiêu biểu trong việc tìm hiểu về cộng đồng người Hoa và hoạt động của họ ở Việt Nam trong lịch sử.
Tác giả: Đinh Khắc Thuân

Quan điểm của Nga về vấn đề biển Đông và một số kiến nghị đối với Việt Nam (31/03/2022)

Nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, biển Đông có vị trí địa chiến lược đặc biệt. Tuy nhiên hiện nay, tranh chấp lãnh hải chồng chéo ở biển Đông đang trở thành thách thức an ninh nghiêm trọng trong khu vực Đông Nam Á, làm chia rẽ các nước ASEAN và lôi kéo nhiều quốc gia bên ngoài. Trên bàn cờ chính trị liên quan đến biển Đông, bên cạnh hai “người chơi chính” là Mỹ và Trung Quốc, sự hiện diện của Nga có ý nghĩa quan trọng bởi Nga có mối quan hệ hợp tác với cả Trung Quốc và Việt Nam, hai trong số các bên liên quan tới xung đột ở biển Đông. Bài viết làm rõ quan điểm của Nga về các vấn đề biển Đông cũng như đưa ra một số kiến nghị đối với Việt Nam.
Tác giả: Hà Thị Quỳnh Hoa, Trần Thị Thanh

Du lịch Nhật Bản thời kỳ đại dịch Covid-19 (31/03/2022)

Đã hơn hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan ở khắp các quốc gia trên toàn thế giới, nhiều ngành nghề, đặc biệt là du lịch, bị tác động nặng nề và phải đối mặt với những thách thức do dịch bệnh gây ra. Trước tình hình đó, Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách kích cầu và dần phục hồi ngành du lịch. Bài viết khái quát về tình hình du lịch Nhật Bản thời kỳ đại dịch Covid-19, đồng thời phân tích các chính sách, giải pháp đã được Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp du lịch áp dụng để ứng phó trong thời kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Tác giả: Lưu Thị Thu Thủy