Lê Hữu Trác trong trạng thái vận động tinh thần của kẻ sĩ thế kỷ XVIII (05/04/2025)
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được đánh giá thuộc kiểu “chân ẩn” trong quan niệm về ẩn sĩ của Trung Hoa. Tìm hiểu quá trình chuyển biến từ “xuất” sang “xử” của Lê Hữu Trác sẽ giúp hình dung rõ hơn về chân dung của bậc trí thức tiêu biểu trong một thời đại có nhiều yếu tố thuận lợi kích hoạt sự gia tăng của đội ngũ nhà nho ẩn dật. Có thể thấy, ở Lê Hữu Trác không xuất hiện trạng thái giằng xé tinh thần quyết liệt, nhức nhối như một bộ phận nhà nho ẩn dật trong lịch sử. Ông có một lối đi riêng: là xử sĩ nhưng không tìm vui nơi bầu rượu túi thơ, chán ghét lợi danh nhưng vẫn lưu lại tiếng thơm muôn đời, trở thành lương y của những người nghèo khổ và là đại danh y trong lịch sử dân tộc. Ông còn là một nhà văn, nhà tư tưởng, để lại bản sắc riêng trong lịch sử văn học và lịch sử tư tưởng Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII.
Tác giả:
Trần Ngọc Vương, Trần Thanh Thủy
Tình hình nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam trong giai đoạn 1986-2024 (05/04/2025)
Truyện ngắn Việt Nam có lịch sử phát triển “lâu đời, từ trong văn học trung đại (thế kỷ X - XIX), được tiếp biến trong thời hiện đại (nửa đầu thế kỷ XX) và nhân lên mạnh mẽ trong thời kỳ đương đại (từ sau năm 1975)”. Dòng chảy của thể loại truyện ngắn là liên tục trong tiến trình lịch sử của văn học Việt Nam. Những năm qua, truyện ngắn biến đổi linh hoạt, phù hợp với thời cuộc và tiếp tục có nhiều thành tựu đáng ghi nhận; vì vậy mà được giới nghiên cứu quan tâm. Bài viết phân chia các nghiên cứu về truyện ngắn Việt Nam đã công bố trong giai đoạn 1986-2024 theo ba nhóm vấn đề: những nghiên cứu chung về truyện ngắn Việt Nam; những nghiên cứu về chủ đề, đề tài của truyện ngắn Việt Nam; những nghiên cứu về nghệ thuật của truyện ngắn Việt Nam.
Tác giả:
Nguyễn Thị Tâm
Mấy vấn đề pháp chế trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay (05/04/2025)
Pháp chế là góc nhìn về chấp hành pháp luật trong nhà nước pháp quyền, đời sống pháp luật của xã hội. Pháp chế giúp cho việc nhận thức đầy đủ hơn vấn đề pháp luật theo quan điểm pháp quyền. Bài viết làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp chế trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tác giả:
Vũ Thư
Hợp tác an ninh - quốc phòng Trung Quốc - Campuchia giai đoạn 2010-2024 và tác động đến cục diện an ninh khu vực Đông Nam Á (05/04/2025)
Sau khi nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện năm 2010, Trung Quốc và Campuchia đã trở thành “bạn bè sắt son trong mọi hoàn cảnh” với đặc điểm khăng khít hơn về chính trị, gắn kết hơn về kinh tế và chặt chẽ hơn về an ninh - quốc phòng. Nhờ sự tin cậy chính trị sâu sắc và cùng chia sẻ các lợi ích chiến lược, hợp tác an ninh - quốc phòng Trung Quốc - Campuchia đã không ngừng được củng cố, tăng cường. Campuchia nắm giữ vị trí then chốt trong tính toán địa chiến lược của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Trung Quốc trở thành chỗ dựa vững chắc cả về kinh tế, chính trị và an ninh đối với Campuchia. Bài viết phân tích các trụ cột chính trong quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng Trung Quốc và Campuchia trong giai đoạn 2010-2024, trên cơ sở đó đưa ra một vài đánh giá tác động đến cục diện an ninh khu vực Đông Nam Á.
Tác giả:
Phí Hồng Minh, Nguyễn Đắc Tùng
Võ Phó bảng Nguyễn Long và cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội năm 1882 (05/04/2025)
Ngày 01/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà, mở đầu cuộc viễn chinh xâm lược Việt Nam. Sau khi chiếm Lục tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp đã hai lần liên tiếp tiến công xâm lược Bắc Kỳ vào các năm 1873, 1882. Trong cuộc chiến đấu chống Pháp, bảo vệ thành Hà Nội (năm 1882), một trong những vị phò tá đắc lực cho Tổng đốc Hoàng Diệu là Võ Phó bảng Nguyễn Long. Ông đã cùng với các quan họp bàn cách đánh Pháp, chuẩn bị luyện tập võ nghệ cho quân sĩ và anh dũng chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội. Hình ảnh ông đã trở thành một tấm gương chiến đấu điển hình của nhân dân Việt Nam trong phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX.
Tác giả:
Bùi Thị Hà
Ảnh hưởng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc đến học sinh trung học phổ thông tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (05/04/2025)
Bài viết trình bày kết quả khảo sát học sinh trung học phổ thông tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định về những ảnh hưởng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc (Hallyu) trên các phương diện: thị hiếu thẩm mỹ, ước mơ nghề nghiệp, thế giới quan, nhân sinh quan. Kết quả khảo sát cho thấy, Hallyu có mức độ ảnh hưởng “nhiều” đến học sinh trung học phổ thông tại thành phố này. Đây là thông tin hữu ích và là cơ sở dữ liệu đáng tin cậy cho nhà trường, gia đình khi đưa ra các giải pháp giáo dục nhằm quản lý tác động từ yếu tố văn hóa nước ngoài đối với học sinh trung học phổ thông trên địa bàn thành phố hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Đức Toàn, Tô Thị Minh Tâm, Lê Văn Hân, Cao Ngọc Thịnh, Nguyễn Thị Thái Châu
Kinh nghiệm quốc tế về thực hiện bình đẳng giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam (05/04/2025)
Trên cơ sở rà soát các số liệu về kết quả thực hiện bình đẳng giới trên thế giới, cũng như các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới ở một số quốc gia có thành tích nổi bật, bài viết phân tích bài học kinh nghiệm và những hàm ý chính sách cho Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bình đẳng giới là mục tiêu quan trọng giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững, nhưng mức độ đạt được khác nhau giữa các khu vực do ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa, kinh tế, chính trị. Việt Nam đạt tiến bộ trong bình đẳng giới nhưng vẫn gặp thách thức về mất cân bằng giới tính khi sinh, bất bình đẳng thu nhập và gánh nặng chăm sóc không được trả công. Để thúc đẩy bình đẳng giới, Việt Nam có thể học hỏi từ các chính sách hỗ trợ những người cha mẹ, tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em, mở rộng cơ hội lãnh đạo cho phụ nữ cũng như chính sách trả lương bình đẳng.
Tác giả:
Trần Thị Minh Thi