Những biến đổi về mặt xã hội của Việt Nam dưới tác động của hội nhập WTO (30/09/2008)
Gia nhập WTO, các nước thành viên có nhiều cơ hội trong phát triển, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam thì những rủi ro, thách thức có thể sẽ nặng nề hơn. Trước hết trong lĩnh vực kinh tế sẽ có nhiều biến đổi, từ đó kéo theo những biến đổi về mặt xã hội. Trong bối cảnh đó, nhiều vấn đề mới, phức tạp cũng nảy sinh trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, bảo vệ tổ quốc. Bài viết phân tích những biến đổi trên, làm rõ mức độ tác động của chúng, để từ đó có nhận thức đúng và tìm ra các giải pháp phù hợp để phát triển.
Tác giả:
Trần Ngọc Hiên
Một số kết quả nghiên cứu mới về khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (30/09/2008)
Bài viết cung cấp một số kết quả nghiên cứu mới của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam về việc đặt lưới toạ độ Hoàng thành Thăng Long - hệ thống lưới toạ độ và cao độ quốc gia chuẩn, mang tính quốc tế tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhằm mục tiêu nghiên cứu, đánh giá và xây dựng hồ sơ khoa học các dấu tích kiến trúc của Hoàng thành theo tiêu chuẩn của khảo cổ học đô thị quốc tế. Bài viết được trình bày theo 3 phần nội dung: 1) Nhận thức từ những nghiên cứu mặt bằng dấu tích kiến trúc; 2) Nhận thức từ nghiên cứu so sánh các loại hình kiến trúc; 3) Một số nhận xét chung.
Tác giả:
Tống Trung Tín
Về công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị ở Việt Nam (30/09/2008)
Ở nước ta, quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, trong đó có thành tựu về sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện công bằng, bình đẳng giới trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu về giải phóng phụ nữ rất cơ bản trong quá trình tiến tới sự bình đẳng giới, thì vai trò tham chính của phụ nữ trong nền chính trị hiện đại vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Có nhiều nguyên nhân gây cản trở sự thăng tiến của phụ nữ trong hệ thống chính trị, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức về công bằng giới, bình đẳng giới, bất bình đẳng giới, dẫn đến việc tổ chức thực hiện vấn đề này còn nhiều nan giải. Đề tài “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị ở Việt Nam thời kỳ đổi mới” góp phần làm rõ vấn đề trên. Bài viết giới thiệu một số nội dung chủ yếu của đề tài.
Tác giả:
Võ Thị Mai
Mâu thuẫn vợ chồng trong gia đình và những yếu tố ảnh hưởng (30/09/2008)
Bài viết lược thuật những nội dung chính của cuốn sách “Mâu thuẫn vợ chồng trong gia đình và những yếu tố ảnh hưởng”, tác giả Vũ Tuấn Huy, Viện Xã hội học. Phần I dẫn ra những quan điểm, lý thuyết xã hội học kinh điển về mâu thuẫn, theo đó sự bất bình đẳng về quyền lực giữa nam giới và nữ giới là nguồn gốc dẫn đến xung đột trong quan hệ giữa hai giới trong xã hội và gia đình. Phần II giới thiệu nguồn số liệu và phương pháp nghiên cứu. Nguồn số liệu định lượng và định tính được sử dụng trong cuốn sách chủ yếu lấy từ các nghiên cứu gần đây về gia đình ở Việt Nam. Phần III phân tích và chứng minh những mâu thuẫn giữa vợ và chồng trong đời sống gia đình: 1) Mức độ phổ biến mâu thuẫn vợ chồng; 2) Một số lĩnh vực xảy ra mâu thuẫn giữa vợ và chồng trong đời sống gia đình: thu nhập, quản lý chi tiêu, nuôi dạy con cái, cách ứng xử, tình dục, quan hệ họ hàng; 3) Hành vi bạo lực giữa chồng và vợ trong gia đình; 4) Những yếu tố ảnh hưởng đến mâu thuẫn trong gia đình.
Tác giả:
Vũ Tuấn Huy; Thu Nguyệt l.th.
Hỗ trợ và nâng cao trình độ kiến thức thông tin đối với người dùng tin trực tiếp tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam (30/09/2008)
Hoạt động thông tin - thư viện đang diễn ra những thay đổi sâu sắc từ khoảng những năm 1990. Bên cạnh sự phát triển các loại hình cơ quan thông tin - thư viện truyền thống thì các nguồn tin số hóa được tồn tại và luân chuyển trong môi trường mạng đang và sẽ trở thành phương thức rất phổ biến của các trung tâm thông tin, thư viện, tư liệu. Điều đó vừa tạo ra những cơ hội lớn, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với người dùng tin trực tiếp. Làm thế nào để hỗ trợ có hiệu quả người dùng tin trực tiếp là vấn đề đang được các trung tâm thông tin, thư viện, tư liệu quan tâm đặc biệt. Bài viết trình bày một số vấn đề có liên quan đến việc hỗ trợ và nâng cao trình độ kiến thức thông tin đối với người dùng tin trực tiếp tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Tác giả:
Trần Mạnh Tuấn
Vai trò của dịch thuật văn học trong tiếp xúc văn hóa phương Tây ở Nhật Bản (30/09/2008)
Công cuộc Duy Tân Minh Trị (1868-1912) đã làm dấy lên khát vọng mãnh liệt của toàn dân Nhật Bản nhằm “Học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây và vượt phương Tây”, “Kết hợp cái tốt nhất của phương Tây với tinh thần Nhật Bản”. Điều này giải thích tại sao việc dịch thuật văn học châu Âu, đặc biệt từ đầu thế kỷ XX, đã mang lại tác nhân kích thích đối với sự phát triển nền văn chương mới ở Nhật Bản. Có thể nói không một nhà văn Nhật Bản có tầm quan trọng nào mà không chịu ảnh hưởng thông qua sự hiểu biết văn học châu Âu. Văn học Nhật Bản từ ngày ấy đã tiếp thu nhiều trào lưu tư tưởng và văn học phương Tây: chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa hiện thực,… đánh dấu một sự mở đầu thực sự cho văn xuôi theo phong cách hiện đại, nhuần nhuyễn những yếu tố phương Tây. Bài viết phân tích làm rõ phần nào vai trò của dịch thuật văn học trong tiếp xúc văn hóa phương Tây ở Nhật Bản trong thời kỳ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Tác giả:
Nguyễn Tuấn Khanh
Phát triển kinh tế dựa vào tri thức và công nghệ: tiềm năng của Ấn Độ trong toàn cầu hóa (30/09/2008)
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đầu năm 2006, một tam giác quyền lực kinh tế phương Đông được nhấn mạnh đó là Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. Ấn Độ đã được coi là biểu tượng của một thị trường tự do phát triển nhanh nhất gần đây.
Là một trong những nước lớn nhất hành tinh với diện tích tự nhiên trên 3,29 triệu km2 và dân số trên 1027 triệu người, vào đầu thiên niên kỷ, Ấn Độ đã trở thành một trong sáu nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, đứng thứ tư thế giới về tổng thu nhập tính theo sức mua tương đương (PPP). Vì sao một quốc gia lớn, đông dân, còn chịu nhiều sức ép đói nghèo lại được thế giới nhìn nhận như một cường quốc kinh tế tương lai? Đây là chủ đề đã lôi cuốn nhiều nhà nghiên cứu và quản lý đi sâu tìm hiểu, phân tích về quá trình và những vấn đề nổi bật trong chính sách phát triển của đất nước này.
Tác giả:
Đức Linh
Các quá trình đổi mới trong chiến lược phát triển công nghiệp của Trung Quốc (30/09/2008)
Tìm hiểu và nghiên cứu chính sách đổi mới của Trung Quốc, tác giả bài viết đi sâu phân tích sự hình thành bộ khung hệ thống đổi mới quốc gia, đặc biệt là phân tích các quá trình đổi mới trong chiến lược phát triển công nghiệp của Trung Quốc trong thời gian qua và đến năm 2050.
Tác giả:
Muromceva Z.; Hải Yến l.th.