Góp phần nhận thức sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng (20/06/2008)

Tầm quan trọng của đoàn kết đối với sự nghiệp cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành một chân lý, một phương châm hành động vĩ đại: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Theo chỉ dẫn của Người, để thực hiện có hiệu quả sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc những nguyên lý cốt tử: Một là đoàn kết thống nhất trong Đảng phải toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức; toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí. Hai là đoàn kết thống nhất trong Đảng phải nhằm mục đích tối cao là lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Ba là đoàn kết thống nhất trong Đảng làm điểm tựa, nòng cốt cho khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân. Bốn là đoàn kết thống nhất trong Đảng phải kết hợp cao độ giữa kỷ luật và tự giác; nêu cao tinh thần đồng chí thương yêu nhau gắn với thực hiện thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình.
Tác giả: Trần Phú Mừng

Nhận thức lại toàn cầu hoá và chỉ số toàn cầu hoá của Việt Nam trong 72 nước năm 2007 (20/06/2008)

Nếu trước đây, toàn cầu hoá hiện ra trong nhận thức chủ yếu là một hiện tượng đa diện, phức tạp, không dễ nắm bắt, thì ngày nay toàn cầu hoá dường như đã lộ diện một cách rõ hơn, dễ nhận biết hơn với những ảnh hưởng, ý nghĩa (thuận và nghịch) ít nhiều có thể đo đếm được. Bảng chỉ số toàn cầu hoá 2007 là một cố gắng lượng hoá trình độ toàn cầu hoá của các quốc gia theo hướng đó.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Tác động của kinh tế thị trường tới việc thực hiện chức năng xã hội của nhà nước ở Việt Nam hiện nay (30/09/2008)

Nhà nước là một phạm trù lịch sử. Từ khi ra đời đến nay, nhà nước luôn luôn là công cụ thống trị chính trị của giai cấp và thực hiện chức năng xã hội của mình. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam, nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong quản lý và điều tiết nền kinh tế. Ngược lại, kinh tế thị trường cũng tác động mạnh mẽ về nhiều mặt đến nhà nước và chức năng xã hội của nhà nước. Đây chính là nội dung mà bài viết muốn đề cập.
Tác giả: Lê Thị Thuỷ

Có hay không sự xuất hiện trở lại của một cuộc suy thoái mang tính cơ cấu diễn ra đồng thời với các chấn động chu kỳ trong nền kinh tế thế giới? (30/09/2008)

Còn quá sớm để nhận định rằng, nền kinh tế thế giới đang xuất hiện trở lại một cú sốc mang tính chu kỳ diễn ra đồng thời với sự suy thoái mang tính cơ cấu. Nhưng những dấu hiệu mới trong sự vận động của nền kinh tế toàn cầu đang thực sự gây ra những mối lo ngại về các thay đổi mang tính chu kỳ. Việt Nam đang nằm trong vùng xoáy của tình trạng lạm phát mang tính toàn cầu, rất cần có cảnh báo đúng và phân tích kỹ lưỡng tình hình quốc tế và khu vực để mọi giải pháp đưa ra của chúng ta không những ngăn chặn được tình trạng lạm phát trước mắt mà còn tiếp tục duy trì được các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong cả trung hạn và dài hạn.
Tác giả: Nguyễn Xuân Thắng

Bảo đảm quyền tham gia chính trị của phụ nữ trong bối cảnh toàn cầu hoá ở nước ta hiện nay (20/06/2008)

Tác giả khái lược một số điểm nhấn cơ bản về nội dung trong chính sách, pháp luật của Việt Nam về việc bảo đảm quyền tham gia chính trị của người phụ nữ; đề cập đến một số thành tựu bảo đảm quyền tham gia chính trị của phụ nữ Việt Nam về quyền bầu cử, ứng cử, về quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; trình bày một số nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tham gia chính trị của phụ nữ và các giải pháp giúp phụ nữ thực hiện một cách hiệu quả quyền tham gia chính trị của họ theo quy định pháp luật.
Tác giả: Trần Thị Hoè

Chúng ta có phải là Đế chế La Mã? (23/06/2008)

Việc so sánh thời đại lịch sử ngày nay với thời đại trong quá khứ là một trò chơi trí tuệ đầy hấp dẫn. Nó đòi hỏi bạn phải có hiểu biết đầy đủ về cả hai thời đại này để đánh giá những điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng. Nó khuyến khích một sự phân tích khái quát, có tính hệ thống và một tầm nhìn xa. Nó còn làm cho thực tại trở nên xa lạ, buộc bạn phải nhìn nhận theo cách hoàn toàn mới thực tiễn chính trị và văn hoá mà trước đây bạn vẫn cho là điều hiển nhiên. Trong trường hợp tồi tệ nhất, nó có thể là một sự phô trương kiến thức nông cạn, trong đó phép loại suy giản đơn thay thế cho sự ràng buộc thực tế. Nhưng trong trường hợp tốt nhất, nó có thể làm sáng tỏ cả hai thời đại lịch sử, đồng thời tạo ra cùng lúc cảm giác về sự nhận thức và sự bí ẩn của lịch sử.
Tác giả: Cullen Murphy; Gary Kamiya b.l., Xuân Tùng d.

Sự đa dạng có chuẩn mực trong đào tạo tiến sĩ ở Mỹ (23/06/2008)

Một trong những nét đặc trưng cơ bản của giáo dục đại học Hoa Kỳ là tính đa dạng: đa dạng về loại hình trường, chương trình đào tạo, cách phân loại, loại hình đào tạo, hệ thống môn học bắt buộc và tự chọn, đa dạng về thành phần sinh viên, cách tuyển chọn sinh viên, cách đánh giá sinh viên, cách đánh giá giáo viên và đánh giá toàn bộ chương trình. Vì thế khó có thể có một chuẩn mực chung về quy trình đào tạo tiến sĩ ở đất nước này. Bài viết giới thiệu đôi nét về một chương trình đào tạo tiến sĩ cụ thể về ngành quản lý giáo dục đại học qua những trải nghiệm cá nhân của tác giả.
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Phương

Lĩnh vực dịch vụ trong nền kinh tế thế giới: các xu hướng phát triển (23/06/2008)

Lĩnh vực dịch vụ của mỗi nước có con đường phát triển riêng. Ở một số nước đã hình thành “nền kinh tế dịch vụ”, còn ở một số nước khác, lĩnh vực dịch vụ vẫn chưa phát triển nhiều. Nhưng vẫn nổi lên một xu hướng chung là xu hướng gia tăng vai trò của lĩnh vực dịch vụ trong không gian kinh tế chung toàn thế giới. Và trong bối cảnh phát triển tích cực của lĩnh vực dịch vụ, các vấn đề ngày càng mới về kinh tế, thống kê, quản lý, công nghệ gắn với thương mại dịch vụ trên thị trường thế giới, hoạt động dịch vụ ở cấp độ quốc gia, hoạt động của các tổ chức dịch vụ riêng biệt… đang hiện diện rất rõ. Khu vực dịch vụ đang trở thành đối tượng ngày càng thu hút nhiều sự chú ý của các nhà nghiên cứu thuộc các môn khoa học rất khác nhau, trong đó có kinh tế, tiếp thị, điều hành.
Tác giả: O. Balaeva, M. Predvoditeleva; Mai Ly l.th.