Pháp luật về bảo vệ môi trường: kinh nghiệm một số nước châu Á và bài học đối với Việt Nam (01/04/2009)

Trình bày vắn tắt nội dung các biện pháp xử lý hình sự, hành chính và dân sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của Singapore và một số biện pháp và chính sách bảo vệ môi trường của Trung Quốc, lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, tác giả cho rằng: Thứ nhất, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam cần được hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng hơn, nghiêm khắc hơn và có thể thực thi ngay mà không cần phải có quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành như hiện nay. Thứ hai, Việt Nam cần đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, nâng cao trách nhiệm của công dân, sự tham gia của các tổ chức dân sự, tổ chức phi chính phủ. Thứ ba, Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Và thứ tư, cần áp dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường.
Tác giả: Trương Thu Trang

Hiện đại hóa xã hội vì mục tiêu công bằng ở Việt Nam hiện nay (01/04/2009)

Bài viết lược thuật nội dung cuốn sách “Hiện đại hóa xã hội vì mục tiêu công bằng ở Việt Nam hiện nay” của các tác giả Lương Việt Hải, Lê Xuân Đình và Nguyễn Đình Hòa với ba phần nội dung chính: 1) Đặc điểm và nội dung của quá trình hiện đại hóa xã hội ở Việt Nam hiện nay; 2) Công bằng xã hội là mục tiêu của hiện đại hóa xã hội; và 3) Một số giải pháp đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa vì mục tiêu công bằng xã hội.
Tác giả: Lương Việt Hải ch.b.; Tùng Khánh l.th.

Đặng Huy Trứ với “Từ thụ yếu quy” (01/04/2009)

Bài viết giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Đặng Huy Trứ (1825-1874) - một trong những người trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam; phân tích tư tưởng “Từ thụ yếu quy” - “những quy tắc chủ yếu trong việc từ chối hay thu nhận quà biếu hối lộ đối với một người làm quan” của Đặng Huy Trứ với hai quan điểm lớn: phải giáo dục người làm quan để xây dựng các đức tính tốt như cần cù, công tâm, khiêm tốn, khoan hòa, giữ chữ tín,… và người làm quan phải chú trọng việc trị gia (tức là giáo dục vợ con).
Tác giả: Đinh Xuân Lâm

Tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với châu Á và ảnh hưởng của nó tới Việt Nam (01/04/2009)

Tác giả phân tích những kênh tác động chủ yếu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với châu Á (bao gồm tốc độ tăng trưởng, đầu tư, thương mại) và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam (bao gồm xuất khẩu, đầu tư), từ đó đưa ra một số dự báo và triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2009.
Tác giả: Nguyễn Hồng Thu

Nhìn lại 30 năm cải cách thể chế văn hóa và điều chỉnh chính sách phát triển văn hóa của Trung Quốc (01/04/2009)

Sau 30 năm thực hiện cải cách mở cửa, chính phủ Trung Quốc đã xác định, văn hóa là nội dung quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội, là nhân tố chính của sự cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia, là một sản nghiệp nằm trong nhóm ngành nghề thứ ba (dịch vụ). Chính phủ Trung Quốc đã tích cực tiến hành cải cách thể chế, điều chỉnh có trọng tâm các chính sách văn hóa, từng bước tạo nên sự phát triển nhịp nhàng của các ngành nghề văn hóa. Bên cạnh những thành tựu nổi bật, một số tồn tại trong cải cách thể chế, điều chỉnh chính sách đã ít nhiều cản trở sự phát triển, khả năng sáng tạo và năng lực cạnh tranh của văn hóa Trung Quốc. Đây là những nội dung chính được các tác giả phân tích trong bài viết.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Phương, Chử Bích Thu

Những đóng góp của logic học phương Đông thời kỳ cổ - trung đại (01/04/2009)

Tác giả bài viết bước đầu tìm hiểu những đóng góp của logic học phương Đông thời kỳ cổ - trung đại. Một là thuyết biện luận năm đoạn - ngũ đoạn luận (luận đề, nguyên nhân, ví dụ, suy đoán, kết luận). Hai là đóng góp của Mặc Tử và phái Biệt Mặc về lý thuyết tam biểu pháp, xây dựng khái niệm logic, chứng minh, bác bỏ. Ba là đóng góp của Huệ Tử và Công Tôn Long về logic đa trị, logic tình thái, logic mờ,… với việc đưa ra những nghịch luận nổi tiếng. Bốn là đóng góp của nhà ngụy biện nổi tiếng Trang Tử chủ yếu dựa vào logic không cùng loại. Và năm là đóng góp của Tuân Tử về logic hình thức, về quan hệ biện chứng giữa cái toàn bộ và cái cá biệt, v.v…
Tác giả: Võ Văn Thắng

Cú sốc lớn năm 2008 và thất bại địa chính trị của phương Tây (01/04/2009)

Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 2008 cùng những hệ lụy nghiêm trọng của nó có thể được xem như một thất bại lớn mang tính địa chính trị đối với Mỹ và châu Âu. Sức mạnh của thế giới phương Tây bị sụt giảm đáng kể, khi mà một số cường quốc mới nổi ngày càng có ảnh hưởng quan trọng trên phạm vi toàn cầu và trọng tâm của thế giới đang có xu hướng dịch chuyển khỏi nước Mỹ. Tác giả bài viết đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng đó tới tình hình kinh tế - xã hội của Mỹ và châu Âu cũng như những thay đổi đáng chú ý trên bản đồ địa chính trị thế giới trong bối cảnh mới, đồng thời phân tích những chính sách mà Mỹ cần có để nhanh chóng vượt qua thời kỳ khó khăn này.
Tác giả: Roger C. Altman; Lê Xuân Tùng l.th.