Về nhu cầu nhận thức của con người (27/05/2011)
Trả lời phỏng vấn Báo Khoa học và Đời sống về một số vấn đề xoay quanh nhu cầu nhận thức của con người, GS.TS. Hồ Sĩ Quý - Viện trưởng Viện Thông tin KHXH đã nêu ra một số quan điểm sau: 1- Không có lý do gì thuộc tư duy hoặc tố chất bẩm sinh khiến người Việt khó học triết học. Vấn đề thuộc về người dạy, thuộc về cái được dạy, phương pháp dạy và môi trường giảng dạy. 2- Người Việt vẫn thiếu một kiểu văn hóa tư duy đẩy sự phân tích, chiêm nghiệm, lý giải về sự việc đến tận cùng logic khách quan của nó. 3- Cái yếu của tư duy truyền thống ở Việt Nam là do ưa khái quát nên thường rơi vào tình trạng bỏ quên các dữ kiện chi tiết, các bằng cớ cụ thể. 4- Có sự khác biệt giữa triết học Việt Nam và triết học phương Tây một phần là do: Việt Nam là một xã hội muộn về phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghiệp. Nền giáo dục truyền thống không phải là nền giáo dục đề cao phát minh, khám phá, sáng tạo, không hướng con người đến tìm tòi chân lý mà chỉ hướng đến việc xác lập giá trị. 5- Bảng giá trị xã hội có phần lệch lạc và việc dạy đạo đức cho lớp trẻ không phải là công việc dễ dàng. Với đạo đức, người ta chỉ có thể dạy được kiến thức về đạo đức. 6- Nhu cầu nhận thức luôn luôn là nhu cầu mãnh liệt, thỏa mãn nhu cầu nhận thức chắc không kém hạnh phúc hơn việc thỏa mãn những nhu cầu khác…
Tác giả:
Hồ Sĩ Quý
Về “cách mạng hoa nhài” ở Bắc Phi và Trung Đông (27/05/2011)
Thông tin sơ lược về diễn biến các sự kiện chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông từ ngày 17/12/2010, tác giả đưa ra ba nhận xét ban đầu về mục tiêu, nhân tố lãnh đạo, phương tiện hỗ trợ của phong trào phản kháng; về nguyên nhân dẫn đến các sự kiện và bản chất của những biến động ở Bắc Phi và Trung Đông. Dự báo tình hình trước mắt với các quốc gia trong khu vực biến động và với các nước lớn, tác giả khuyến nghị: Chúng ta cần chú trọng quán triệt phương châm “chủ động phòng ngừa, ngăn chặn”, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện dân sinh, dân chủ, giải quyết việc làm; cần giải quyết các bức xúc đang tồn tại trong xã hội, ngăn chặn những bức xúc đột biến và nguy cơ phát triển trên diện rộng; cần tăng cường nắm tình hình tham mưu cho Đảng và Nhà nước; tăng cường phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý mọi hành vi lợi dụng sự kiện Bắc Phi và Trung Đông để kích động chống phá.
Tác giả:
Bùi Quảng Bạ
Sử dụng lao động nông thôn tại các khu công nghiệp phía Bắc hiện nay (trường hợp khu công nghiệp Lễ Môn - Thanh Hóa) (27/05/2011)
Bài viết gồm ba phần nội dung. Một là đặc điểm tình hình sử dụng lao động tại khu công nghiệp Lễ Môn, bao gồm: số lượng, cơ cấu, giới tính, độ tuổi, chất lượng lực lượng lao động, thu nhập của người lao động và nhận thức xã hội của người lao động. Hai là những vấn đề đặt ra. Mặt tích cực bao gồm: tận dụng khả năng có thể sử dụng được nguồn lao động tại các địa phương, góp phần tìm kiếm việc làm và tạo thêm thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp tại các địa phương theo hướng hiện đại và góp phần biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Mặt tiêu cực bao gồm khó khăn trong việc đặt ra và thực hiện các quy định về kỷ luật lao động đối với người lao động, mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với người lao động và những xu hướng phức tạp của các cuộc đình công của công nhân, việc giải quyết vấn đề lao động nữ, các tệ nạn xã hội diễn ra trong và ngoài khu công nghiệp, thực hiện quản lý nhà nước và giải quyết chính sách đối với người lao động. Ba là những đề xuất, kiến nghị về nâng cao chất lượng lao động, mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, quy hoạch chi tiết về xây dựng và quản lý các khu công nghiệp, xây dựng và thực thi các chính sách bảo vệ quyền lợi người lao động và ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân người lao động.
Tác giả:
Phạm Công Nhất
Một số vấn đề văn hóa - xã hội nổi bật của Nhật Bản thập niên đầu thế kỷ XXI (27/05/2011)
Bài viết gồm 7 phần nội dung, xem xét những vấn đề văn hóa - xã hội nổi bật của Nhật Bản trong thập niên đầu thế kỷ XXI trong mối tương quan với sự thay đổi ý thức, giá trị quan của người Nhật Bản về lối sống, gia đình, công việc và các mối quan hệ xã hội: 1- Quy mô gia đình giảm, tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa. 2- Xã hội bằng cấp và những vấn đề của nền giáo dục. 3- Sự thay đổi cơ cấu việc làm, tuyển dụng, hiện tượng Nit, Freeter. 4- Hình thành tầng lớp người nghèo trong xã hội Nhật Bản. 5- Toàn cầu hóa và vấn đề văn hóa truyền thống. 6- Văn hóa giải trí và chiến lược “xuất khẩu văn hóa” của Nhật Bản. 7- Kết luận.
Tác giả:
Ngô Hương Lan
Về thuận lợi và thách thức của tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển bền vững (27/05/2011)
Là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế có một số lợi thế về vị trí địa lý, về tài nguyên thiên nhiên, về nguồn lực khoa học và công nghệ, về văn hóa, nhưng cũng đồng thời phải đối mặt với những thách thức về điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế thấp, cơ cấu các ngành khoa học và công nghệ do lịch sử để lại kéo theo trình độ công nghệ trong khu vực sản xuất, kinh doanh hạn chế và tâm lý bảo thủ, thích sự ổn định, không thích thay đổi, không dám mạo hiểm khi đứng trước thách thức hoặc nguy cơ rủi ro. Tác giả bài viết cho rằng phát huy những lợi thế sẵn có và giải quyết những thách thức đang tồn tại trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của cả nước sẽ giúp tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Tác giả:
Đỗ Nam
Về chính trị và chính trị học (27/05/2011)
Chính trị là một lĩnh vực hoạt động xã hội đặc thù, phản ánh quan hệ giữa các tập đoàn xã hội (giai cấp, dân tộc - quốc gia, đảng phái, tổ chức “nhóm lợi ích”, đoàn thể…), cốt lõi là quan hệ giai cấp trong việc giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước. Còn chính trị học là khoa học nghiên cứu quyền lực chính trị như một chỉnh thể, nhằm nhận thức và vận dụng quy luật chi phối sự vận động và phát triển lĩnh vực chính trị của đời sống xã hội. Chính trị học cần thiết đối với cả xã hội và mỗi cá nhân.
Tác giả:
Lê Văn Phụng
Đồng USD và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu (27/05/2011)
Mặc dù vai trò của đồng USD trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và trong tương lai của hệ thống tiền tệ thế giới đang bị hoài nghi nhưng tác giả bài viết vẫn cho rằng, trong thập niên sắp tới, USD vẫn là đồng tiền dự trữ quốc tế chính và phải khá lâu nữa nó mới bị suy yếu.
Tác giả:
E. G. Avdeeva; Mai Linh d.