Văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới (29/04/2022)
Sau 35 năm đổi mới, nhờ khắc phục được những hạn chế ở các giai đoạn trước: tìm lại được những gì đã mai một để kế thừa truyền thống đầy đủ hơn, điều chỉnh và từ bỏ dần những khuôn thước không phù hợp, giao lưu và tiếp biến có chọn lọc với những giá trị bên ngoài…, trên thực tế, văn hóa Việt Nam đã xác lập được các khuôn mẫu văn hóa mới, thực sự hội nhập tương đối sâu vào văn hóa nhân loại theo các chuẩn mực chung của cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, do xã hội Việt Nam ngày nay là một cơ thể đang phát triển năng động với nhiều mâu thuẫn chứa đựng trong nó nên văn hóa không tránh khỏi cũng là một thực thể đầy mâu thuẫn, với một diện mạo không thiếu những hiện tượng kém giá trị, phi giá trị, thậm chí phản giá trị.
Tác giả:
Hồ Sĩ Quý
Trách nhiệm xã hội của công dân - yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam (29/04/2022)
Đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những tác động tiêu cực về kinh tế và xã hội ở Việt Nam. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, trong gần hai năm qua, Chính phủ đã huy động sự tham gia của tất cả các cấp chính quyền, hệ thống y tế và các tầng lớp nhân dân vào việc phòng, chống đại dịch Covid-19. Chiến lược của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân. Bên cạnh vai trò quyết định của chính quyền các cấp và các cơ quan y tế, v.v…, sự đóng góp của người dân, mà trung tâm là ý thức trách nhiệm xã hội của mỗi người đối với bản thân, gia đình và cộng đồng trong ứng phó với đại dịch có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trên cơ sở tổng quan các tài liệu, bài viết tập trung phân tích một số chiều cạnh về trách nhiệm xã hội của người dân thể hiện trong công cuộc chống dịch, từ đó rút ra những hàm ý về việc phát huy vai trò của người dân trong những giai đoạn đất nước đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
Tác giả:
Nguyễn Hữu Minh
Văn hóa tộc người Pu Péo: Nhìn từ tâm thức về vũ trụ luận, hồn vía và nghi lễ sức khỏe (29/04/2022)
Pu Péo là tộc người có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và độc đáo, được hình thành trong tiến trình lịch sử và phát triển của tộc người. Các giá trị văn hóa được người Pu Péo trân trọng và làm giàu thêm trong những sinh hoạt hằng ngày và trong việc thực hành các tập quán, nghi lễ linh thiêng. Các giá trị văn hóa đó còn được những người có uy tín trong cộng đồng giáo dục và truyền lại cho thế hệ trẻ để tiếp nối con đường di sản của tộc người. Bài viết đề cập đến vấn đề tâm thức của người Pu Péo về vũ trụ luận và về con người nhằm đóng góp thêm tư liệu giúp hiểu biết sâu sắc hơn nữa về cộng đồng tộc người này ở Việt Nam.
Tác giả:
Lê Hải Đăng
Chính sách chuyển đổi số của Singapore và một số gợi ý cho Việt Nam (29/04/2022)
Khi công nghệ số ngày càng góp phần lớn hơn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội thì việc xây dựng các chương trình, chính sách chuyển đổi số đã trở thành xu hướng chính sách của nhiều quốc gia hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Singapore là một trong những nước ở khu vực châu Á thực hiện chuyển đổi số khá sớm, từ những năm 1990 và đã đạt được những thành công đáng kể nhờ các chính sách chuyển đổi số toàn diện với những giải pháp cụ thể rất thực dụng. Bài viết đề cập đến khái niệm chính sách chuyển đổi số; những chính sách chuyển đổi số của Singapore và rút ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam.
Tác giả:
Trương Thị Thu Trang
Biển Đông trong chiến lược hải quân của Trung Quốc qua góc nhìn lý thuyết sức mạnh biển của Alfred Thayer Mahan (29/04/2022)
Bài viết cung cấp một góc nhìn liên quan tới Biển Đông trong chiến lược hải quân của Trung Quốc thông qua lý thuyết sức mạnh biển của Alfred Thayer Mahan (1840-1914) - nhà sử học hải quân Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, một số góc nhìn mới được bổ sung từ góc độ môi trường quốc tế hiện nay chủ yếu xoay quanh các yếu tố khoa học kỹ thuật, môi trường quốc tế, cũng như các chiến thuật mới. Qua đó, bài viết chỉ ra những điểm mới về mặt địa chiến lược nhằm làm rõ hơn ý định của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tác giả:
Nguyễn Thế Phương
Sự tham gia của doanh nghiệp tại Việt Nam trong nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ Công nghiệp 4.0 (29/04/2022)
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong phương thức sản xuất của các doanh nghiệp nhờ việc ứng dụng các công nghệ số. Điều này đòi hỏi người lao động cần được trang bị thêm các kỹ năng mới phù hợp với các phương thức sản xuất trong thời kỳ này. Bài viết cung cấp bức tranh về sự tham gia của doanh nghiệp tại Việt Nam trong đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Thị Thùy Dương
Nghệ thuật lãnh đạo của Hồ Chí Minh (29/04/2022)
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam và ở cả tầm thế giới, đã được UNESCO vinh danh “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Hồ Chí Minh đã để lại nghệ thuật lãnh đạo đặc sắc của riêng mình, tuy nhiên vấn đề này chưa được đi sâu nghiên cứu có tính hệ thống. Bài viết bước đầu làm rõ nội dung nghệ thuật lãnh đạo của Hồ Chí Minh trên các phương diện: xây dựng mục tiêu, tầm nhìn lãnh đạo; thuyết phục quần chúng; tập hợp và sử dụng lực lượng; nắm bắt thời cơ; sử dụng quyền lực và xử lý tình huống.
Tác giả:
Đào Đình Tuấn