Tình hình sử dụng ngôn ngữ và thái độ, nguyện vọng của người Cơ Tu đối với tiếng nói, chữ viết của tộc người này (26/05/2023)
Bài viết trình bày khảo sát mới nhất của nhóm nghiên cứu về tình hình sử dụng ngôn ngữ và thái độ của người Cơ Tu đối với tiếng nói, chữ viết dân tộc Cơ Tu. Kết quả khảo sát cho thấy tình trạng song ngữ (Cơ Tu - Việt) của người Cơ Tu là tốt, phần lớn người Cơ Tu có thể sử dụng thành thạo cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày; tiếng Cơ Tu là ngôn ngữ an toàn, tức không phải là ngôn ngữ có nguy cơ mai một. Bài viết cũng nêu vấn đề cần được đồng thuận đối với việc lựa chọn bộ chữ viết cho người Cơ Tu trong tình huống có sự cạnh tranh của hai bộ chữ đang được sử dụng ở hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
Tác giả:
Nguyễn Văn Hiệp
Việc thực thi thúc đẩy dân chủ của Mỹ (26/05/2023)
Mỹ được biết đến với những hoạt động không ngừng trong việc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác nhằm truyền bá những giá trị được xem là ưu việt nổi bật của họ. Trong những giá trị đó có dân chủ. Nhưng có phải giá trị dân chủ mà Mỹ tìm cách thúc đẩy trên toàn cầu lại được chào đón nhiệt thành bởi các quốc gia khác nhau? Hay việc thúc đẩy dân chủ của Mỹ có thực chất là vì lợi ích của chính họ? Bài viết phân tích một số hành động của chính quyền Mỹ từ Woodrow Wilson đến Joe Biden nhằm góp phần giải đáp những câu hỏi này. Nghiên cứu chỉ ra rằng, cho dù có nhiều hành động khác nhau trong từng thời kỳ, nhưng việc thúc đẩy dân chủ vẫn luôn được quan tâm trong chính sách đối ngoại và nó phản ánh lợi ích trước hết là cho nước Mỹ và niềm tin tích cực muốn được lan tỏa của họ.
Tác giả:
Nguyễn Anh Cường
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế và việc vận dụng ở Việt Nam (26/05/2023)
Ngày nay, hợp tác và liên kết kinh tế trên bình diện toàn cầu cũng như khu vực là xu thế tất yếu. Tất cả các quốc gia, dù lớn, dù nhỏ, mạnh hay yếu đều tìm cách để hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả nhất. Việt Nam đã và đang bước vào hội nhập kinh tế với những lợi thế và thách thức. Chính vì vậy, nắm chắc và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển ở Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết, đồng thời còn là sự phát triển về lý luận nhận thức.
Tác giả:
Đặng Công Thành
Cạnh tranh chiến lược của một số nước lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (26/05/2023)
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực mà ở đó lợi ích của các quốc gia đan xen. Hiện nay, Mỹ cùng các đồng minh, cũng như Trung Quốc, Liên minh châu Âu đều gia tăng chi tiêu quân sự và theo đuổi các chiến lược riêng tại khu vực. Bài viết làm rõ nội dung chiến lược của các cường quốc trên; từ đó cho thấy, dù không có sự đồng nhất về động cơ cạnh tranh nhưng các quốc gia đều có điểm chung trong lập trường chính trị đó là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở đúng nghĩa.
Tác giả:
Trần Thị Thanh, Vũ Kiều Oanh
Những thách thức an ninh phi truyền thống đối với Tiểu vùng sông Mekong hiện nay (26/05/2023)
Khu vực Tiểu vùng sông Mekong đang gặp nhiều thách thức lớn về an ninh phi truyền thống xuất phát từ vấn đề xây dựng thủy điện ở thượng nguồn. Dựa trên nguồn dữ liệu thứ cấp, bài viết lý giải và phân tích các thách thức an ninh phi truyền thống mà các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt, bao gồm: an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, an ninh con người, an ninh lương thực. Các thách thức an ninh phi truyền thống tại Tiểu vùng sông Mekong được xem xét trong bối cảnh địa chính trị, địa chiến lược phức tạp.
Tác giả:
Nguyễn Thu Trang
Quan điểm xã hội về hôn nhân đồng tính ở Việt Nam hiện nay (26/05/2023)
Hôn nhân đồng tính là chủ đề gây nhiều tranh cãi tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính đến đầu năm 2023, đã có 34 quốc gia trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính, sớm nhất là Hà Lan (năm 2001) và gần đây nhất là Andorra (tháng 2/2023). Bên cạnh những nước bày tỏ quan điểm ủng hộ hôn nhân đồng tính, vẫn còn nhiều nước giữ quan điểm trung lập và nhiều nước lên án, phản đối gay gắt mối quan hệ hôn nhân này. Tại Việt Nam, hôn nhân đồng tính vẫn chưa được hợp pháp hóa và vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều, có phản đối, có ủng hộ và có cả quan điểm trung lập (vừa phản đối vừa ủng hộ). Dựa trên các nguồn tài liệu thứ cấp, bài viết tổng quan một số quan điểm, cách nhìn nhận của xã hội về hôn nhân đồng tính ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây.
Tác giả:
Bùi Thị Hồng, Nguyễn Thị Thu Nguyệt
Tổng quan những nghiên cứu nổi bật về văn học thiếu nhi Việt Nam từ năm 1986 đến nay (26/05/2023)
Văn học thiếu nhi là bộ phận quan trọng của văn học Việt Nam, là một mảng sáng tác cần thiết cho quá trình hình thành tâm hồn và nhân cách của trẻ. Trước năm 1945, văn học thiếu nhi Việt Nam chưa thực sự được các nhà nghiên cứu quan tâm. Từ sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là từ năm 1986 trở lại đây, nghiên cứu văn học thiếu nhi có nhiều khởi sắc. Mặc dù ra đời muộn hơn so với các loại hình văn học khác, nhưng đến nay văn học thiếu nhi Việt Nam đã giữ vai trò quan trọng trong nền văn học dân tộc và trở thành một bộ phận có tổ chức. Xem xét các nghiên cứu thời gian qua về quá trình vận động và phát triển của văn học thiếu nhi trên cả ba phương diện lý luận, nội dung và nghệ thuật, có thể nhận thấy nghiên cứu văn học thiếu nhi đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Tác giả:
Nguyễn Thị Tâm