Về mục tiêu và trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (24/04/2024)

Để góp phần nhận thức đúng về Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, bài viết tìm hiểu mục tiêu và trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng và hoàn hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tác giả: Võ Khánh Vinh

Nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và dân chủ: Nghiên cứu trường hợp Trung Quốc (24/04/2024)

Bài viết đánh giá khái quát quá trình Trung Quốc xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng như thực tiễn xử lý mối quan hệ giữa ba trụ cột này trong quá trình phát triển, từ đó rút ra một số nhận xét mang ý nghĩa tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Văn Cương

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ trí thức tại thành phố Đà Nẵng hiện nay (24/04/2024)

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức là hệ thống các quan điểm về trí thức; đặc điểm, vai trò và các tiêu chuẩn của đội ngũ trí thức; về sử dụng, phát huy vai trò của trí thức; và vấn đề giáo dục, rèn luyện trí thức. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa đối với công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung và tại thành phố Đà Nẵng nói riêng. Bài viết làm rõ việc vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn phát triển đội ngũ trí thức tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Tác giả: Lê Đức Thọ

Các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của người lao động trong bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (24/04/2024)

Bài viết tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức và hành động của người lao động trong các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương về vấn đề bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn. Kết quả nghiên cứu cho thấy, người lao động ở đây đã quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại doanh nghiệp, cùng với đó, việc thực hiện các chính sách của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường có thể tác động đến nhận thức và hành động của người lao động đối với vấn đề này.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hương

Lược thảo tiến trình văn học Đàng Trong (24/04/2024)

Văn học Đàng Trong ra đời tương đối muộn so với văn học Đàng Ngoài, nhưng chưa bao giờ “lép vế” trong thân phận của kẻ “đến sau” với những giới hạn về giá trị. Nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam, có thể thấy, từ khi định hình, văn học miền Nam nói chung, giai đoạn văn học Đàng Trong nói riêng gần như luôn có xu hướng đi đầu với những thể nghiệm mới mẻ của các thể loại văn học: từ truyện Nôm bác học, vãn, tuồng… (thời trung đại) cho đến báo, tạp chí, truyện ngắn, truyện dài, truyện phóng tác… (thời cận hiện đại) và dội tầm ảnh hưởng ngược trở lại miền Bắc. Sẽ là thiếu thuyết phục nếu hình dung về sự phát triển của văn học Việt Nam vốn được đánh giá là đa dạng, muôn màu mà không lưu tâm đến bộ phận văn học sản sinh trên dải đất phương Nam. Bài viết phác thảo tiến trình phát triển của văn học Đàng Trong.
Tác giả: Trần Thanh Thủy

Sự biến mất và tái xuất hiện của trường Nho học trong bối cảnh độc chiếm của trường Pháp - Việt ở Bắc kỳ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 (24/04/2024)

Trường Nho học đã tồn tại hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến Việt Nam, nhưng ngay khi đang trong quá trình xâm chiếm, thực dân Pháp đã có ý định xóa bỏ, thay bằng trường dạy chữ Pháp, chữ Quốc ngữ để đáp ứng nhu cầu cấp bách xâm lược và cai trị. Chính vì vậy, trường Nho học ở Bắc kỳ từ năm 1906 đến năm 1945 có nhiều thăng trầm cùng những chủ trương, chính sách về giáo dục của Pháp, có lúc bị xóa bỏ, nhưng có lúc lại được tái xuất hiện. Bài viết làm rõ 2 nội dung: (i) trường Nho học ở Bắc kỳ từ khi chính quyền Pháp thực hiện cải cách giáo dục lần thứ nhất năm 1906 đến năm 1919 khi Vua Khải Định phê chuẩn việc bãi bỏ tất cả các trường Nho học; (ii) sự biến mất và tái xuất hiện của trường Nho học trong bối cảnh trường Pháp - Việt chiếm vị trí độc tôn từ năm 1919 đến năm 1945.
Tác giả: Nguyễn Thị Lệ Hà

Sự cần thiết phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay (24/04/2024)

Phát triển bền vững đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với những đóng góp của tôn giáo được thể hiện cả ở nguồn lực tinh thần lẫn vật chất và nguồn lực tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, thì Đảng, Nhà nước Việt Nam rất cần phát huy nguồn lực này để cùng với các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và người dân xây dựng, phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích các tài liệu thứ cấp, bài viết trình bày những cơ sở lý luận và thực tiễn của quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguồn lực tôn giáo, đồng thời đánh giá vai trò nguồn lực tôn giáo trong phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả: Vũ Tuấn Mạnh, Phạm Hoàng Anh