Sau 100 năm - Từ nguồn sáng Đông Kinh Nghĩa Thục (30/09/2008)

Năm 2007 là chẵn 100 năm khai mở và kết thúc Đông Kinh Nghĩa Thục - ngôi trường tư thục đầu tiên, hay nói đúng hơn là một phong trào - phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nhằm đem lại một chuyển đổi cách mạng về nội dung và phương thức hoạt động trong lịch sử giáo dục Việt Nam. Phỏng theo mô hình Khánh Ứng Nghĩa Thục của Nhật Bản, Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương đưa tư tưởng dân chủ và văn minh phương Tây thay cho kinh điển Nho gia để chuyển đổi đầu óc quốc dân, chấn hưng công nghệ và canh tân đất nước. Từ địa chỉ số 4 Hàng Đào, Hà Nội - nhà riêng của Thục trưởng Lương Văn Can, Đông Kinh Nghĩa Thục nhanh chóng mở rộng địa bàn hoạt động ra nhiều tỉnh ở Bắc bộ và Trung bộ; và gây nên một chấn động lớn trong đời sống tinh thần dân tộc vào thập niên đầu thế kỷ XX. Đông Kinh Nghĩa Thục bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội sau bảy tháng hoạt động, nhưng tinh thần canh tân đất nước, và tư tưởng cốt lõi: có canh tân (đổi mới) đất nước mới giành và giữ được đất nước của Đông Kinh Nghĩa Thục là vẫn có giá trị cho một thế kỷ để đến với sự nghiệp Đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ hai thập niên cuối thế kỷ XX.
Tác giả: Phong Lê

Nghiên cứu định lượng về hạnh phúc và chỉ số hạnh phúc (HPI) của Việt Nam trong 178 nước năm 2006 (30/09/2008)

Hạnh phúc là một đối tượng nghiên cứu cực kỳ khó nắm bắt. Bởi vậy, xưa nay, hạnh phúc vẫn thường là địa hạt của những nghiên cứu thần học và triết học, tức là những nghiên cứu nặng về kiến giải theo kiểu chiêm nghiệm và định tính. Không thỏa mãn với những giải thích như thế, những năm gần đây, việc quy giản hạnh phúc thành các đại lượng có thể đo đếm được đã trở thành tham vọng của nhiều nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau, kể cả các nhà toán học. Đi theo xu hướng này, tháng 07/2006, NEF (New Economics Foundation), một tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, đã nghiên cứu và công bố Báo cáo về Chỉ số hạnh phúc hành tinh (Happy Planet Index) với bảng xếp hạng cho 178 nước, gây tiếng vang nhất định trong cộng đồng quốc tế. Theo báo cáo này, HPI cao nhất thế giới năm 2006 thuộc về Vanuatu, một quần đảo ở nam Thái Bình Dương; đứng thứ 178/178 là Zimbabwe, một quốc gia ở châu Phi. Việt Nam trong Báo cáo đạt được chỉ số HPI khá cao, xếp thứ 12/178 nước, trên cả Trung Quốc, Thái Lan, Italia, Nhật Bản, Mỹ và hơn 160 nước khác. Tác giả đã phân tích hiện tượng này, trên cơ sở tìm hiểu lịch sử hơn 100 năm của xu hướng nghiên cứu định lượng với những thế mạnh và hạn chế của nó. Theo tác giả, hạnh phúc là một giá trị vừa chủ quan vừa khách quan. Bởi vậy, quá trình mưu cầu hạnh phúc, dẫu có mang màu sắc chủ quan đến mấy, vẫn là một cuộc tìm kiếm không hề viển vông, không thuần túy “duy tâm” và có thể nói là đầy nhọc nhằn.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Chính sách phát triển bền vững ở Việt Nam: thực trạng và khuyến nghị (30/09/2008)

Dự án “Hỗ trợ xây dựng và thực hiện Chương trình Nghị sự 21 quốc gia của Việt Nam VIE/01/021” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện cùng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và sự hỗ trợ hợp tác của các tổ chức quốc tế UNDP, DANIDA, SIDA,… Dự án gồm 4 hợp phần chính, trong đó có hợp phần nghiên cứu chính sách phát triển bền vững. Kết quả nghiên cứu của Dự án đóng góp một phần tích cực vào việc hoàn thành hệ thống chính sách phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự án VIE/01/021 đã xuất bản bộ sách nhằm công bố các kết quả nghiên cứu của Dự án, làm tài liệu tham khảo phục vụ cho nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và kế hoạch liên quan đến phát triển bền vững. Bộ sách gồm 10 cuốn, tập trung vào 10 chủ đề, trong đó “Chính sách phát triển bền vững ở Việt Nam: thực trạng và khuyến nghị” là một trong 10 chủ đề được thực hiện.
Tác giả: Ngô Ngọc Cát ch.b.; Khúc Đình Nam l.th.

Pháp luật Việt Nam với việc bảo đảm quyền tham gia của phụ nữ sau khi Việt Nam gia nhập Công ước CEDAW (30/09/2008)

Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 18 tháng 12 năm 1979 theo Nghị quyết số 34/180. Việt Nam ký gia nhập Công ước này năm 1980 và chính  thức phê chuẩn năm 1981. Nội luật hóa những quy định của Công ước CEDAW là một trong những yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam với tư cách một quốc gia thành viên nhằm hoàn thành nghĩa vụ “tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện” các quyền của phụ nữ được ghi nhận trong Công ước CEDAW. Phạm vi quyền con người của phụ nữ được ghi nhận trong Công ước CEDAW là rất rộng. Bài viết này chỉ phân tích các nguyên tắc pháp lý cơ bản về bảo đảm quyền tham gia đầy đủ của phụ nữ được nêu tại Điều 7 và Điều 8 của Công ước; nêu rõ Việt Nam đã phát triển và cụ thể hóa các nội dung trên trong hệ thống pháp luật và chính sách của Đảng và Nhà nước ta, cũng như các kết quả mà phụ nữ Việt Nam đạt được về quyền con người nói chung và quyền tham gia đầy đủ của phụ nữ vào các lĩnh vực của xã hội. Bài viết cũng chỉ ra những hạn chế và đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần tăng cường bảo đảm việc thực hiện triệt để quyền tham gia của phụ nữ trong thời gian tới.
Tác giả: Hoàng Mai Hương

Về chức năng của bầu cử trong nền chính trị phương Tây hiện đại (30/09/2008)

Trong các nền dân chủ phương Tây, bầu cử được coi là một phần không thể tách rời của sự phát triển thể chế dân chủ. Các cuộc bầu cử thực hiện những chức năng được coi là vô cùng quan trọng, đó là: xác định tính chính đáng của các cơ quan quyền lực nhà nước; giúp người dân thực hiện sự ủy quyền và lựa chọn người cầm quyền; tạo điều kiện cho giới tinh hoa trong xã hội củng cố quyền lực; chống lại sự tha hóa của quyền lực; tạo điều kiện cho sự cạnh tranh giữa các khuynh hướng chính trị; và cung cấp thông tin cho người dân hiểu rõ tình hình của đất nước trên nhiều lĩnh vực. Bài viết phân tích làm rõ các chức năng đó của bầu cử.
Tác giả: Lưu Văn Quảng

Nền tài chính Trung Quốc sau khi gia nhập WTO (30/09/2008)

Khảo sát tình hình tài chính Trung Quốc sau khi nước này gia nhập WTO, tác giả xem xét những cải cách của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính và tương lai của nó trong bối cảnh Trung Quốc hội nhập vào nền tài chính toàn cầu. Tác giả chứng minh rằng ngay trong lòng WTO, Nhà nước Trung Quốc cũng loại trừ được hoạt động đầu cơ vì đã làm chủ được những tài khoản chủ yếu và có sự điều hành chặt chẽ, kiểm soát được khu vực tài chính. Chủ nghĩa tư bản nhà nước Trung Quốc đã thành công lớn khi gắn tài chính với công nghiệp và tránh được những rủi ro gây ra bởi những tư bản đào thoát (capitaux volatils) và đặc biệt là biết hội nhập vào thị trường thế giới theo những điều kiện riêng của mình. Tuy nhiên điểm yếu của họ là phân phối nội bộ, từ đó những bất bình đẳng và bất mãn ngày càng tăng lên trong nhân dân Trung Quốc.
Tác giả: Sunanda Sen; Đỗ Sáng l.th.

Phải chăng văn hóa chỉ thuộc về con người? (30/09/2008)

Tác giả định nghĩa văn hóa (dưới ánh sáng của những khám phá khoa học mới nhất) như là cơ sở có nội dung phong phú mang tính chất nội chủng của sự cùng tồn tại tập thể và sự tác động qua lại giữa các chủng loại sinh vật sống trên Trái đất; đồng thời đưa ra ba luận cứ quan trọng để chống lại luận điểm coi văn hóa là một thứ hình thái sở hữu riêng của đời sống con người.
Tác giả: Flier A. Ja.; Lê Sơn d.