Vai trò của văn hoá - giáo dục trong việc tạo lập một “tâm quyển” cho sự phát triển bền vững của đất nước trên cơ sở kinh tế tri thức (30/09/2008)

Xuất phát từ thực tế phát triển của nhiều quốc gia trong điều kiện hiện nay, khi phân tích nội dung ba trụ cột của phát triển bền vững mà Hội nghị thượng đỉnh thế giới tại Johannesburg năm 2002 đã xác định là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, tác giả cho rằng cần phải mở rộng thành năm trụ cột của phát triển bền vững, đó là kinh tế phồn vinh, xã hội hài hòa, văn hoá lành mạnh, chính trị ổn định và môi trường trong sạch. Theo tác giả, cả năm trụ cột này có mối quan hệ tác động qua lại khăng khít với nhau. Tuy nhiên, ở bài viết này, tác giả chỉ tập trung phân tích, làm rõ vai trò của văn hoá - giáo dục trong việc tạo lập một “tâm quyển” cho phát triển bền vững của Việt Nam trên cơ sở kinh tế tri thức.
Tác giả: Phạm Xuân Nam

Bàn về sức cạnh tranh văn hoá (30/09/2008)

Gắn chặt văn hoá với sức mạnh tổng hợp của quốc gia, đánh giá cao địa vị và vai trò của văn hoá là phán đoán mới và nhận thức mới của những người cộng sản Trung Quốc, là sự khái quát mới và phát triển mới lý luận văn hoá của chủ nghĩa Marx. Bài viết gồm 5 phần nội dung: 1) Cạnh tranh văn hoá là trạng thái mới của cạnh tranh quốc tế, thời đại toàn cầu hóa là thời đại đổi mới văn hoá và cạnh tranh văn hoá; 2) Sức cạnh tranh văn hoá là lực lượng bản chất của con người, được hình thành và phát triển trong thực tiễn sản xuất và giao tiếp xã hội; 3) Sức sản xuất văn hoá là cơ sở của sức cạnh tranh văn hoá, tạo dựng “con người văn hoá” phát triển toàn diện là nhiệm vụ căn bản trong phát triển sức sản xuất văn hoá; 4) Sức sáng tạo văn hoá là hạt nhân của sức cạnh tranh văn hoá, sức sáng tạo văn hoá bắt nguồn từ tính năng động của thực tiễn và tính năng động của tư duy; 5) Sức bền vững văn hoá là nguồn gốc của sức cạnh tranh văn hoá, nó đạt được tính độc đáo và tính liên tục qua việc kế thừa và đổi mới truyền thống.
Tác giả: Tian Feng; Dương Phương Anh d.

Nhân thân, và bạo lực (30/09/2008)

Tuy ít được biết ngoài giới kinh tế, Amartya Sen (quê quán Bangalore, Ấn Độ, đoạt giải Nobel kinh tế năm 1998, hiện là giáo sư Harvard) là một kinh tế gia đáng cho đồng nghiệp của ông hãnh diện. Đã là một nhà toán kinh tế (một ngành cực kỳ khó!) hàng đầu ngay khi còn trẻ, Sen không bao giờ dùng toán để “lòe” người đọc, trái lại, ông luôn tìm cách giải thích bằng ngôn ngữ thông thường những định lý mà ông khám phá. Từ vài thập kỷ gần đây, Sen chuyển sang nghiên cứu về những vấn đề triết lý lớn, những vấn đề kinh tế trọng đại (như nạn đói, công bằng thu nhập, v.v…) và luôn luôn có những nhận định sâu sắc, lý luận khúc chiết, xây dựng trên một nền tảng kiến văn vô cùng quảng bác. Trong cuốn sách vừa xuất bản, “Nhân thân, và bạo lực”, Sen vận dụng khả năng phân tích sắc bén, kinh nghiệm sống phong phú, và suy tư sâu sắc của ông để bài bác hai luận đề nổi tiếng ngay từ đầu thập niên 90, đó là (1) “sự đụng độ của các nền văn minh” của Samuel Huntington, và (2) “giá trị châu Á”, thường được gán cho nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Sen thú nhận rằng tác phẩm này có một tham vọng khá lớn, đó là đưa ra một cách nhìn mới về bạo lực trên thế giới. Thực ra, Sen còn đi xa hơn, xem xét một loạt ý niệm thời thượng: từ “văn minh” đến “giá trị châu Á”, từ “kinh tế thị trường” đến “toàn cầu hóa”. Sen không nói, nhưng người đọc sẽ nhận ra rằng tư tưởng của ông là phản ánh tiếp cận kinh tế theo cái nghĩa khoa học nhất của nó.
Tác giả: Amartya Sen; Trần Hữu Dũng g.th.

Chính trị học so sánh và đặc trưng của loại hình khu vực chính trị châu Âu (30/09/2008)

Bài viết đề cập đến hai khía cạnh cơ bản là: (1) vấn đề phương pháp luận của chính trị học so sánh (comparative politics) trong phân loại các hệ thống chính trị, những thách thức và kết quả phân loại; và (2) thử phân tích những đặc trưng loại hình cơ bản về mặt thể chế của các hệ thống chính trị thuộc loại hình phương Tây / Tây Âu dưới lăng kính của chính trị học so sánh kết hợp với phương pháp của nghiên cứu khu vực (area studies). Việc phân loại và phân tích đặc trưng loại hình học khu vực chính trị dựa trên những tiêu chí phân loại mang tính khoa học giúp phát hiện ra những tương đồng và khác biệt mang tính bản chất giữa các quốc gia hay khu vực về hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể vận dụng so sánh với hệ thống chính trị ở nước ta, thấy được những ưu điểm và nhược điểm của hệ thống chính trị đó, nhằm không ngừng hoàn thiện nó, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng một xã hội hiện đại, công bằng, dân chủ, văn minh.
Tác giả: Lương Văn Kế

Khoa học và công nghệ nước Pháp - những cải cách nổi bật (30/09/2008)

Là nước có vị trí thứ 5 sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và CHLB Đức trong đầu tư nghiên cứu - triển khai (R&D), nước Pháp trở thành cái “nôi” sản sinh công nghệ. Kết quả công nghiệp hóa cùng với những “cực văn hoá khoa học và công nghệ” phát triển ở nhiều vùng lãnh thổ đã tạo nền tảng để hiện đại hóa đất nước theo hướng mở mang kinh tế dựa vào tri thức. Tuy nhiên, so với những nước tiên tiến, Pháp chưa có những đột biến, còn bị bỏ cách xa cả về thành tựu và đầu tư sáng tạo; môi trường hoạt động khoa học và công nghệ có những hạn chế, chịu nhiều thách thức trong cạnh tranh toàn cầu. Vào thiên niên kỷ mới, chính phủ Pháp đã có hàng loạt cải cách, đặc biệt là về chính sách ưu tiên nghiên cứu và đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ. Bài viết đề cập đến một số cải cách nổi bật, đặc biệt trong thực thi Bộ luật Chính sách và những ưu tiên nghiên cứu mới (New policy and priorities research).
Tác giả: Lê Thành Ý

Thư viện khoa học hiện nay: những thay đổi và thách thức (30/09/2008)

Từ năm 1973, các câu hỏi như “Thư viện khoa học đem lại lợi ích gì?” hay “Thư viện khoa học có lợi như thế nào?” đã được đặt ra. Ngày nay, câu hỏi này lại được gợi lại rất nhiều khi tìm lý do để đóng cửa các thư viện. Thư viện là nơi trầm mặc và tĩnh lặng cho các học giả và sinh viên. Câu hỏi về giá trị được trả lời bằng số lượng người tới thư viện và tìm những gì họ muốn. Thực tế, câu trả lời về chất lượng và giá trị đã được mở rộng hơn và liên quan tới vai trò bao quát hơn cho thư viện. Nhiều thư viện đang trong quá trình tự chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ thụ động sang chủ động và là đối tượng quan trọng đối với các khu trường sở. Tác giả bài viết bàn về những thay đổi và thách thức của thư viện khoa học hiện nay qua những cuộc phỏng vấn với bốn giám đốc thư viện là: Barbara Dewey - chủ  nhiệm các thư viện (Đại học Tennessee), Ray English - giám đốc các thư viện (Cao đẳng Oberlin), Ken Frazier - giám đốc các thư viện (Đại học Wisconsin) và Paula Kaufman - thư viện viên, giám đốc quản lý thông tin (Đại học Illinois).
Tác giả: Miriam A. Drake; Kiều Nga l.th.

Đánh giá bước đầu cơ chế đầu tư phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học xã hội - thực trạng và những vấn đề đặt ra (30/09/2008)

Từ tháng 10/2006 Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp thực hiện Chương trình hợp tác nghiên cứu: Chính sách đẩy mạnh phát triển khoa học xã hội và đổi mới cơ chế hoạt động và quản lý khoa học xã hội. Bài viết nêu lên một số đánh giá bước đầu về thực trạng cơ chế đầu tư, phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học xã hội trong thời gian qua và đề xuất một số ý kiến về việc đổi mới cơ chế chính sách tài chính cho hoạt động và quản lý khoa học xã hội trong thời gian tới.
Tác giả: Phạm Văn Vang