Những nội dung chủ yếu trong tư tưởng chính trị - xã hội của Nho giáo (02/08/2013)
Khái quát một số nội dung chủ yếu trong tư tưởng chính trị - xã hội của Nho giáo với vai trò, quyền uy tuyệt đối của Trời, vấn đề con người và các mối quan hệ xã hội của con người, tác giả khẳng định: tư tưởng chính trị - xã hội của Nho giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước phong kiến ở các mặt, các phương diện: bộ máy và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước; là căn cứ lý luận chủ yếu để hình thành và thực thi đường lối Đức trị, xây dựng và triển khai nền giáo dục - khoa cử và nền pháp luật; là phương tiện, công cụ chính trị chủ yếu và hữu hiệu nhất trong việc duy trì sự tồn tại vĩnh viễn Nhà nước phong kiến, địa vị, vai trò thống trị của giai cấp phong kiến, trật tự kỷ cương và sự ổn định của chế độ phong kiến.
Tác giả:
Nguyễn Thanh Bình
Tộc ước trong đời sống cộng đồng làng xã qua nghiên cứu tại một làng ở Bắc Trung Bộ (02/08/2013)
Góp phần tìm hiểu thêm vai trò của quan hệ họ hàng đối với đời sống cộng đồng làng xã, bài viết bàn đến tộc ước - như là luật (các quy định, quy ước) của dòng họ - trong đời sống cộng đồng làng xã, dựa trên nghiên cứu thực địa tại làng Quỳnh Đôi, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với những số liệu định tính qua các đợt điền dã tại Quỳnh Đôi trong khoảng thời gian 2000-2012 và một số kết quả định lượng từ cuộc khảo sát vào tháng 9/2012 thuộc Đề tài “Nghiên cứu so sánh làng xã, quan hệ thân tộc Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc”.
Tác giả:
Nguyễn Tuấn Anh
Văn chương Vũ Bằng dưới góc nhìn văn hóa (02/08/2013)
Bài viết gồm hai phần nội dung. 1- Những lớp văn hóa cần khảo sát trong văn chương Vũ Bằng với vấn đề truyền thống và hiện đại, vấn đề dân tộc và nhân loại, dấu ấn văn hóa cộng đồng và mẫu người văn hóa. 2- Văn chương Vũ Bằng và sự kết tinh giá trị văn hóa Hà Nội với thiên nhiên văn hóa, văn hóa ẩm thực và hoạt động sinh hoạt văn hóa: lễ hội, lễ Tết.
Tác giả:
Đỗ Thị Ngọc Chi
Thực hành dân chủ của Hồ Chí Minh - một bài học lớn cần vận dụng vào cuộc sống hiện nay (02/08/2013)
Tác giả trình bày nội dung bài viết theo ba mục: 1- Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng kiệt xuất và nhà thực hành tư tưởng mẫu mực. 2- Dân chủ và thực hành dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một bài học lớn cần tổng kết. 3- Vận dụng tư tưởng dân chủ và thực hành dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới hiện nay.
Tác giả:
Vũ Thị Loan
Quan điểm của John Dewey về “tư duy, tư duy phê phán” trong tác phẩm “Cách ta nghĩ” và ý nghĩa của nó trong cải cách giáo dục (02/08/2013)
“Cách ta nghĩ” là một trong nhiều công trình thể hiện những ý tưởng của John Dewey về cải cách giáo dục. Trong đó John Dewey nói về bản chất tư duy của con người - vấn đề mà theo ông, là căn nguyên, cội rễ để tìm ra phương thức giáo dục hợp lý. John Dewey cho rằng, điều quan trọng của cải cách giáo dục là tìm thấy phương pháp chung nhất để giản lược hóa những tri thức cần thiết mà vẫn phát huy được tính tích cực sáng tạo của người học. Giải mã điều đó, ông đưa ra những lý giải về tư duy. Trong khuôn khổ bài viết, các tác giả bước đầu tìm hiểu quan điểm “tư duy, tư duy phê phán” trong “Cách ta nghĩ” - nền tảng cho sự tìm tòi những lập luận của John Dewey.
Tác giả:
Nguyễn Thị Thanh Dung, Nguyễn Thị Thanh Hòa
Giá trị của ấn phẩm định kỳ thuộc tư liệu EFEO tại Thư viện Khoa học xã hội (02/08/2013)
Số lượng tài liệu tại Thư viện Khoa học xã hội được bổ sung ngày càng nhiều qua thời gian, đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài nước. Trong kho tài nguyên này, các fonds tài liệu do EFEO bàn giao từ năm 1957 vẫn có giá trị nghiên cứu khoa học và giá trị lịch sử rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các tài liệu dạng sách và ấn phẩm định kỳ đã được tổ chức đóng tập và lưu giữ lẫn vào nhau trong các kho dưới dạng sách. Bài viết bước đầu tìm hiểu nhóm sách ấn phẩm định kỳ lưu giữ trong kho EFEO, nhằm giới thiệu đến bạn đọc những giá trị tiềm ẩn chưa được khai thác hết của khối tài liệu quý này.
Tác giả:
Trần Thị Kiều Nga
Một số vấn đề về “An ninh phi truyền thống” (02/08/2013)
Với ba phần nội dung: 1- Một số quan niệm về “an ninh phi truyền thống”, 2- “An ninh phi truyền thống” - một hướng nghiên cứu mới và 3- Một số vấn đề đối với Việt Nam, tác giả cho rằng Việt Nam là một quốc gia đã và đang ngày càng thể hiện là một hình ảnh có trách nhiệm trong việc đối phó với các vấn đề “an ninh phi truyền thống” và các vấn đề thế giới khác. Trong quá trình nghiên cứu “an ninh phi truyền thống”, các nhà nghiên cứu cần khắc phục hạn chế, rà soát những vấn đề hiện còn tồn tại trong hệ thống nghiên cứu, phát triển và kế thừa một cách sáng tạo các nguồn tài liệu truyền thống cùng những kinh nghiệm trong quá khứ và hiện tại. Đây là sự bổ sung hết sức quan trọng cho việc phát triển lý luận an ninh nhằm góp phần đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Tác giả:
Nguyễn Trung Kiên
Gia tăng bất bình đẳng thu nhập sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế (02/08/2013)
Bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ không chỉ ngày càng tăng mà còn ngày càng tăng với mức đáng báo động. Nội dung bài viết là sự tính toán chi tiết các chiều kích của sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ, và qua đó giải thích cho sự tiếp tục gia tăng của hiện tượng này cùng với sự dịch chuyển theo hướng tăng trong thu nhập. Việc gia tăng bất bình đẳng thu nhập - cách tiếp cận hiện nay ở những cấp độ vô cùng lớn - không đơn giản là sự “vi phạm đạo đức trắng trợn”. Nó không chỉ tiêu biểu cho sự vi phạm các giá trị Mỹ được duy trì trong lịch sử hoặc sự bình đẳng một cách hợp lý trong tất cả mọi người. Đó là tình trạng đã và đang tiếp tục diễn ra, như là một nguyên nhân cơ bản của việc thiếu sự phục hồi kinh tế bền vững ở Mỹ trong năm năm qua - cũng là một nhân tố cơ bản giải thích tại sao Mỹ vẫn đang tiếp tục trôi vào cuộc suy thoái “kép” khác.
Tác giả:
Jack Ramus; Trần An d.