Trung Quốc với hợp tác Lan Thương - Mekong: Thực trạng và triển vọng (24/06/2019)
Trung Quốc là quốc gia đầu nguồn sông Lan Thương - Mekong (chảy qua các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và đổ ra biển Đông). Vì vậy, thái độ hợp tác của Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc khai thác phát triển bền vững từ dòng sông này. Bài viết trình bày và phân tích chủ trương, chính sách của Trung Quốc trong hợp tác Lan Thương - Mekong cả ở cấp độ quốc gia và địa phương, qua đó rút ra một số nhận xét, đánh giá bước đầu.
Tác giả:
Đỗ Tiến Sâm, Đinh Hữu Thiện
Mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch của Nhật Bản: Một vài liên hệ với Việt Nam (24/06/2019)
Văn hóa và du lịch là hai lĩnh vực luôn tồn tại mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Ở châu Á, Nhật Bản là quốc gia thành công trong việc sử dụng văn hóa như một nguồn tài nguyên, sức mạnh mềm phát triển du lịch, kinh tế. Thông qua du lịch, Nhật Bản cũng đã thành công trong việc quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới. Bài viết tập trung phân tích mối quan hệ giữa văn hóa với du lịch ở Nhật Bản và các chính sách liên quan, đồng thời nhận diện một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, sử dụng văn hóa như một nguồn tài nguyên du lịch, phát triển kinh tế.
Tác giả:
Lưu Thị Thu Thủy
Thực trạng khởi sự kinh doanh và hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2017 (24/06/2019)
Dựa theo nghiên cứu chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor - GEM), bài viết phác họa bức tranh bao quát về khởi sự kinh doanh ở Việt Nam theo từng giai đoạn: từ những doanh nhân tiềm năng, đến lúc khởi sự, trải qua giai đoạn đầu, cho đến khi phát triển ổn định. Ngoài ra, bài viết còn đưa ra một khung phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam; đề xuất các khuyến nghị chính sách giúp cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới.
Tác giả:
Nguyễn Thị Thùy Dương, Lương Minh Huân
Sự độc lập của tòa án ở Nhật Bản, bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (24/06/2019)
Tòa án được thiết lập để thực hiện quyền tư pháp. Nếu tòa án không độc lập thì quyền tư pháp không được thực hiện một cách độc lập. Tính độc lập có thể được coi là “đặc quyền” của quyền tư pháp, là điều kiện tiên quyết để quyền tư pháp có thể vận hành một cách khách quan. Bài viết tìm hiểu khái niệm sự độc lập của tòa án, quy định về sự độc lập của tòa án ở Nhật Bản và gợi mở một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
Tác giả:
Trương Thị Thu Trang
Nguồn gốc dòng họ người Nùng Phàn Slình ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (24/06/2019)
Từ góc độ dân tộc học, bài viết tìm hiểu nguồn gốc dòng họ người Nùng Phàn Slình hiện sinh sống tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phần lớn họ đều là dân di cư từ các huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn, chỉ có một số ít từ Trung Quốc sang cách đây 200-300 năm. Cùng với thời gian, các dòng họ đã sinh sống rộng khắp khu vực trung du miền núi của huyện Đồng Hỷ, trong đó đông nhất là ở xã Tân Long và Văn Hán, các xã khác chiếm tỷ lệ ít hơn.
Tác giả:
Đàm Thị Tấm
Đô thị hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long dưới góc độ dân số và nguồn lực (24/06/2019)
Có nhiều khía cạnh để đánh giá quá trình và mức độ đô thị hóa. Trong phạm vi bài viết, tác giả xem xét quá trình đô thị hóa các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long ở khía cạnh dân số và nguồn nhân lực; qua đó cung cấp một góc nhìn về quá trình đô thị hóa, xác định những vấn đề mà khu vực này đang phải đối mặt và cần lưu ý nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách giải quyết các thách thức hiện hữu.
Tác giả:
Phạm Xuân Thu