Quá trình vận động của cấu trúc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và phản ứng chính sách của Việt Nam (14/06/2020)

Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, cấu trúc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu sự tác động mạnh mẽ bởi sự trỗi dậy của cường quốc mới (Trung Quốc) bên cạnh siêu cường hiện tại (Mỹ). Theo dự báo, cấu trúc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI chịu ảnh hưởng lớn bởi cạnh tranh chiến lược của Mỹ và Trung Quốc, cũng như sự tham gia của các cường quốc khác. Dựa trên các lý thuyết về cấu trúc, bài viết đánh giá về quá trình vận động của cấu trúc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện tại; từ đó đưa ra những dự báo bước đầu về sự chuyển dịch của cấu trúc khu vực trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, đồng thời xem xét những phản ứng chính sách của Việt Nam hiện tại và trong thời gian tới.
Tác giả: Trần Nam Tiến

Chiến lược nợ công ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra cho giai đoạn 2021-2030 (14/06/2020)

Nợ công, nợ nước ngoài và quản lý nợ công đang là chủ đề được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn, từ phạm vi toàn cầu đến mỗi quốc gia. Bài viết phân tích thực trạng thực hiện Chiến lược nợ công của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở đó đưa ra những đề xuất đối với việc xây dựng Chiến lược nợ công giai đoạn 2021-2030, gồm: (i) Nâng cao chất lượng xây dựng chiến lược, kế hoạch và có chế tài về cách thức phối hợp giám sát thực thi chiến lược, kế hoạch; (ii) Xây dựng và hoàn thiện quy trình và phối hợp trong quản lý nợ công và nợ nước ngoài, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; (iii) Phân biệt rõ hơn nợ địa phương và nợ trung ương; (iv) Đánh giá khả năng chịu đựng rủi ro trong quá trình xây dựng chiến lược; và (v) Nâng cao chất lượng thống kê và cung cấp thông tin trong quản lý nợ công, xác định rõ phạm vi nợ công theo mục đích quản lý.
Tác giả: Đinh Lâm Tấn, Nguyễn Hữu Khánh

Tác động của toàn cầu hóa đến dư luận xã hội vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam (14/06/2020)

Kể từ khi đất nước bắt đầu tiến hành công cuộc Đổi mới (năm 1986), hội nhập, toàn cầu hóa đã tác động ngày càng lớn đến đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội vùng dân tộc thiểu số, cũng như bức tranh dư luận xã hội nơi đây qua việc làm thay đổi những thực hành liên quan của người dân. Kết quả khảo sát thực địa của nhóm tác giả cho thấy, người dân vùng dân tộc thiểu số đã không ngừng mở rộng những vấn đề quan tâm của mình trong bối cảnh mới, và - bằng phương tiện truyền thông kỹ thuật số - họ đã bày tỏ được với nhiều người hơn, ở nhiều nơi, vào nhiều thời điểm, và theo nhiều cách thức đa dạng hơn về điều họ muốn thể hiện.
Tác giả: Phan Tân, Lê Thị Thùy Ly

Lao động nữ di cư ở Việt Nam những năm gần đây (14/06/2020)

Lao động di cư là hiện tượng tất yếu trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, chênh lệch mức sống... đã tạo ra làn sóng di cư lao động ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam những năm gần đây. Trong đó, đáng chú ý là xu hướng lao động nữ di cư từ nông thôn ra các đô thị lớn tìm kiếm cơ hội việc làm ngày một gia tăng. Trên cơ sở tổng quan các kết quả nghiên cứu về di cư tại Việt Nam 10 năm trở lại đây, bài viết đề cập đến thực trạng lao động nữ di cư từ nông thôn ra thành thị ở Việt Nam và cuộc sống của họ.
Tác giả: Bùi Thị Hồng, Lại Thị Thanh Bình

Hoạt động khai mỏ của người Hoa ở Đàng Ngoài: Một số tác động tới xã hội Đại Việt và Trung Hoa thế kỷ XVII-XIX (14/06/2020)

Bài viết đưa ra một số nguyên nhân nhằm lý giải sự xuất hiện các hoạt động khai mỏ của thương nhân và lao động người Hoa trong các mỏ khoáng sản ở vùng thượng du Đàng Ngoài từ cuối thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XIX; phân tích và đánh giá một số tác động từ các hoạt động khai mỏ của người Hoa đối với Đại Việt và Trung Hoa trong giai đoạn này.
Tác giả: Trần Xuân Thanh

Ngành chè Thái Nguyên với vấn đề tiếp cận thị trường quốc tế (14/06/2020)

Thái Nguyên là tỉnh đứng thứ hai trong cả nước về diện tích và sản lượng chè. Nếu như ngành chè Việt Nam là ngành định hướng xuất khẩu thì chè xanh của Thái Nguyên lại chủ yếu được tiêu thụ trên thị trường nội địa. Thực tế này xuất phát từ lợi thế cạnh tranh của Thái Nguyên về các sản phẩm chè xanh truyền thống cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, nhưng mặt khác cũng bởi những hạn chế nhất định của ngành chè tỉnh này. Dựa trên số liệu khảo sát thực tế tại tỉnh Thái Nguyên, bài viết tập trung phân tích các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của sản phẩm chè Thái Nguyên trong việc tiếp cận với thị trường quốc tế thông qua phương pháp phân tích SWOT; từ đó đưa ra đánh giá chung và một số gợi ý về giải pháp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường khu vực và thế giới của ngành chè Thái Nguyên.
Tác giả: Vũ Ngọc Quyên

Hệ lụy của đại dịch Covid-19: Nhận định và dự báo của một số học giả nước ngoài (14/06/2020)

Tháng 12/2019, bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus Corona chủng mới (Coronavirus Disease 2019 - Covid-19) đã bùng phát từ Trung Quốc, sau đó tiếp tục lan rộng trên toàn cầu. Nó đã, đang và sẽ để lại những hệ lụy đáng kể đối với mọi mặt đời sống của các quốc gia trên thế giới. Bài viết tổng hợp nhận định của một số học giả nước ngoài về những hệ lụy này, cũng như dự báo của họ về những kịch bản phát triển thế giới hậu đại dịch.
Tác giả: Ngô Thị Mai Diên