Báo chí và văn học trong chặng đường đầu của tiến trình hiện đại hoá (02/10/2008)

Hiện đại hoá - cùng với cách mạng hoá, là hai yêu cầu lớn đặt ra trong đời sống dân tộc Việt Nam nói chung, và đời sống văn học - nghệ thuật nói riêng trong thế kỷ XX, trong đó yêu cầu hiện đại hoá đã sớm được thực hiện trong sự gắn bó giữa văn học và phong trào báo chí - xuất bản, bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XIX, và phát triển qua nhiều thời kỳ cho đến 1930 là năm kết thúc chặng đường đầu. Trên tiến trình ngót nửa thế kỷ phát triển của báo chí, văn học đã dần dần có đất đai rộng rãi để xuất hiện với một gương mặt mới - gồm thơ, văn xuôi, dịch thuật, khảo cứu, nghị luận, phê bình… trong đó tiểu thuyết là thể văn hội được rõ nhất những dấu ấn hiện đại của tiến trình văn học dân tộc.
Tác giả: Phong Lê

Về mối quan hệ giữa toàn cầu hoá, nhà nước - dân tộc và chủ quyền quốc gia (02/10/2008)

Nghiên cứu quá trình toàn cầu hoá, tác giả nêu rõ năm đặc trưng cơ bản của toàn cầu hoá ở giai đoạn hiện nay: sự đổi mới không ngừng về công nghệ, sự tập trung thông tin cho phép thực hiện liên lạc trực tiếp, sự gia tăng xu hướng chuẩn hoá các sản phẩm kinh tế và xã hội, gia tăng hội nhập xuyên quốc gia, và đặc biệt tính dễ làm tổn thương lẫn nhau do sự tuỳ thuộc vào nhau tăng lên. Tác giả cũng phân tích các quan điểm về tác động của toàn cầu hoá đối với nhà nước và chủ quyền quốc gia, cố gắng nêu rõ bức tranh hiện thực của một thế giới đang có nhiều biến động cả ở tầm vi mô và vĩ mô. Trên cơ sở phân tích các quan điểm của giới chính trị và giới nghiên cứu về các nội dung trên, tác giả đã rút ra một số kết luận chung.
Tác giả: Phạm Thái Việt

Mười cuộc cải cách, đổi mới lớn trong lịch sử Việt Nam (02/10/2008)

Dân tộc Việt Nam trường tồn và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong hàng nghìn năm lịch sử đó đã có biết bao nhiêu cuộc cải cách, đổi mới được các triều đại trị vì đất nước tiến hành. Để giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát và hệ thống về các cuộc cải cách, đổi mới trong lịch sử Việt Nam, đặc biệt là những cuộc cải cách, đổi mới lớn trong hoà bình, nhằm rút ra những bài học lịch sử sát hợp với công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, GS. Sử học Văn Tạo đã cho ra mắt cuốn sách “Mười cuộc cải cách, đổi mới trong lịch sử Việt Nam”. Sách dày gần 400 trang, được chia làm ba phần chính, do nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành.
Tác giả: Văn Tạo; Bảo Anh l.th.

Quy chế cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới - nhìn từ góc độ văn hoá (02/10/2008)

WTO (World Trade Organization) là tổ chức thương mại toàn cầu, được nhiều quốc gia tín nhiệm và mong muốn được tham gia. Điều gây được sự thu hút mạnh mẽ khi tham gia WTO là cơ chế hoà giải tranh chấp có tính bắt buộc và rất hiệu quả. Nghiên cứu những giải pháp của WTO, tác giả phân tích tính nhân văn của các quy chế cơ bản của WTO trong mối tương quan giữa lợi ích và đạo lý, giữa kinh tế và văn hoá, giữa ứng xử quốc gia và ứng xử cá nhân, giữa mô thức ứng xử hiện đại và truyền thống. Bài viết tập trung làm rõ những nội dung sau: 1) Điểm qua tiến trình hoàn thiện hệ thống quy chế cơ bản của WTO, đặc biệt là phân tích sự thay đổi này dưới góc độ dân chủ hoá; 2) Ý nghĩa văn hoá của những quy chế cơ bản của WTO; 3) Những điều chỉnh cần thiết của văn hoá Việt Nam để phù hợp với chuẩn mực ứng xử quốc tế.
Tác giả: Lương Văn Kế

Một số vấn đề về kiến thức thông tin (02/10/2008)

Kiến thức thông tin là sự hiểu biết, tri thức, kỹ năng, thái độ, các hành vi cụ thể của mỗi thành viên của cộng đồng, mỗi con người trong xã hội trong việc khai thác, sử dụng các nguồn / hệ thống thông tin. Hoạt động thông tin càng phát triển thì trình độ kiến thức thông tin của con người trong xã hội càng được nâng cao. Trình độ của kiến thức thông tin sẽ là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh mức độ thông tin được sử dụng trong mỗi xã hội, phản ánh sự bình đẳng của việc khai thác, sử dụng thông tin đối với mỗi thành viên trong xã hội. Đó cũng là những nội dung được tác giả trình bày trong bài viết này.
Tác giả: Trần Mạnh Tuấn

Cải cách tư pháp vì sự phát triển kinh tế - xã hội: trường hợp Hàn Quốc và Việt Nam (02/10/2008)

Hoạt động tư pháp luôn có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với mọi nhà nước và mọi xã hội, do đó các cơ quan tư pháp cũng như các hoạt động tư pháp luôn cần được hoàn thiện và đổi mới cho phù hợp với hoàn cảnh mới, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Trong bài viết này, tác giả xem xét một số vấn đề của cải cách tư pháp ở Việt Nam đặt trong tương quan so sánh với Hàn Quốc, bởi Hàn Quốc là quốc gia trong khu vực châu Á đã thực hiện khá thành công chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2000-2005.
Tác giả: Trương Thu Trang

Suy nghĩ lại về tăng trưởng (02/10/2008)

Bài viết được tóm tắt từ nghiên cứu của Ngân hàng thế giới năm 2005 - Tăng trưởng kinh tế trong những năm 90: bài học từ một thập niên cải cách. Các tác giả công trình này tập trung vào những biến đổi về chính sách và thể chế trong thập niên 90: quá trình ổn định hoá kinh tế vĩ mô, tự do hoá thương mại, cải cách khu vực tài chính, cải cách khu vực công và mở rộng dân chủ hoá. Công trình cũng làm rõ một số vấn đề cần học hỏi ở những bài học từ thập niên 90 (thế kỷ XX).
Tác giả: Zagha R., Nankani G., Gill I.; Phạm Thu Huyền l.th.

Nền văn minh Tây Âu trước nguy cơ trầm trọng (02/10/2008)

Aleksandr Aleksandrovich Zinov’ev (1922-2006) là nhà triết học, nhà xã hội học, nhà văn… tài ba của nước Nga. Ông nổi tiếng ngay từ giữa thế kỷ XX với những kỳ tích của một kỵ binh, một người lính xe tăng và một phi công 31 lần xuất kích thành công trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Nhưng ông còn nổi tiếng hơn với những tác phẩm sâu sắc và gây tranh cãi về logic của bộ “Tư bản”, về triển vọng của chủ nghĩa xã hội, về văn hoá Nga và về chủ nghĩa tư bản Tây Âu… Cuộc đời Zinov’ev A. không suôn sẻ. Từ 1978 đến 1999, ông sống ở Đức, kiếm sống bằng các tác phẩm văn học và khoa học. Với bạn đọc Việt Nam, Zinov’ev A. là một cây bút không xa lạ, đặc biệt với độc giả các ấn phẩm của Viện Thông tin Khoa học xã hội. Zinov’ev viết nhiều. Xin được kể ra một vài tác phẩm nổi tiếng của ông: “Những vấn đề triết học của Logic học đa trị”, 1960; “Logic khoa học”, 1971; “Chủ nghĩa cộng sản với tính cách là một hiện thực”, 1980; “Nổi loạn”, 1994; “Phương Tây”, 1995; “Chủ nghĩa Gorbachev”, 2000; “Từ trừu tượng đến cụ thể” (về Logic của bộ “Tư bản” của K. Marx, viết 1954, xuất bản lần đầu 2002), v.v… Ông mất ngày 10/05/2006, hưởng thọ 84 tuổi. Bài báo này có lẽ là ấn phẩm cuối cùng được công bố trước khi ông mất. Đăng bài này, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội xin được tưởng nhớ người đã đi xa và trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Tác giả: Zinov’ev A.; Lê Sơn d.