Những vấn đề lý luận và thực tiễn điều chỉnh pháp luật Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (31/07/2008)

Tác giả phân tích mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam trong quá trình điều chỉnh pháp luật Việt Nam cho phù hợp với pháp luật quốc tế, đồng thời đưa ra một số kiến nghị về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp với pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế: pháp luật quốc tế phải trở thành bộ phận cấu thành của pháp luật Việt Nam; công dân Việt Nam có quyền viện dẫn trực tiếp các điều khoản của điều ước quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình; hạn chế việc ban hành các nghị định độc lập của Chính phủ; cần coi án lệ là nguồn luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật; cần xây dựng một website đăng tải tất cả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là bên tham gia để bất cứ ai cũng có thể tiếp cận được một cách dễ dàng.
Tác giả: Đinh Ngọc Vượng

Hiện đại hoá xã hội và sinh thái (31/07/2008)

Cuốn sách gồm 10 bài nghiên cứu với các luận điểm chính sau đây: quan niệm đồng tiến hoá; phát triển bền vững và cách tiếp cận trí tuệ quyển; tư duy mới thay đổi cung cách ứng xử của con người, của xã hội đối với sinh thái trong phát triển kinh tế, hiện đại hoá xã hội; bảo vệ và cải thiện sinh thái; và văn hoá sinh thái.
Tác giả: Lương Đình Hải, I. K. Lixiev ch.b.; Trần Thị Huyền l.th.

Về những giá trị phổ biến của hệ thống bầu cử ở một số nước phương Tây (qua nghiên cứu trường hợp của Anh, Pháp, Mỹ) (31/07/2008)

Với tư cách là những phương thức giúp cho nền chính trị vận hành một cách thông suốt và hiệu quả, hệ thống bầu cử ở các nước phương Tây, mà ở đây là Anh, Pháp và Mỹ, có một số giá trị mang tính phổ biến: 1) Nó tạo ra một cơ chế dân chủ ổn định; 2) Nó tạo ra một mối quan hệ có trách nhiệm giữa người dân với những người được ủy quyền; 3) Cách thức tuyển lựa ứng cử viên của các đảng lớn diễn ra theo nguyên tắc dân chủ và cạnh tranh; 4) Vận động tranh cử giúp tăng cường sự tiếp xúc và hiểu biết của người dân đối với những người cầm quyền tiềm năng. Đó là những nội dung chủ yếu của bài viết này.
Tác giả: Lưu Văn Quảng

Đông phương Bác cổ Học viện trong thời kỳ 9/1945 - 12/1946 qua các văn bản (31/07/2008)

Bài viết cung cấp những thông tin có liên quan đến cơ cấu quản lý điều hành và thực tiễn hoạt động của Đông phương Bác cổ Học viện trong giai đoạn từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 12 năm 1946, trong đó có nội dung các sắc lệnh và nghị định của Chính phủ về việc thành lập Hội đồng cố vấn tại Học viện, ấn định nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ Học viện và trợ cấp kinh phí hoạt động cho Học viện.
Tác giả: Ngô Thế Long

Về xu thế mới trong khoa học và công nghệ châu Á (31/07/2008)

Phân tích các tiêu chí so sánh thể hiện trình độ đổi mới quốc gia của các nước châu Á cho thấy một xu thế mới, tạo niềm tin về một tương lai tươi sáng của nền khoa học và công nghệ khu vực. Tuy nhiên, trong nền kinh tế toàn cầu, với tiềm năng to lớn và sự khống chế nhiều năm của khoa học và công nghệ thì vẫn đang còn khoảng cách quá rộng giữa Mỹ và các quốc gia đang phát triển châu Á và dường như, trận địa này vẫn còn trong thế độc quyền của nhiều nước kinh tế phát triển trong khối OECD. Từ thực tế nước ta, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng chính sách và chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của nhiều quốc gia, đặc biệt là của Trung Quốc và các nước khu vực, trong việc đi tắt đón đầu là vấn đề cần thiết để hoạch định chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia trong hội nhập toàn cầu và đẩy nhanh nhịp độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tác giả: Lê Thành Ý

Hội thảo khoa học: Đào tạo báo chí đáp ứng yêu cầu xã hội (31/07/2008)

Bài viết tổng thuật nội dung Hội thảo khoa học với chủ đề “Đào tạo báo chí đáp ứng yêu cầu xã hội” được tổ chức tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh vào ngày 22 tháng 4 năm 2008. Hội thảo nhằm mục đích nhìn lại công tác đào tạo của Học viện trong thời gian qua; tham khảo các ý kiến đóng góp, tìm kiếm giải pháp tiếp tục đổi mới đào tạo báo chí để đáp ứng tốt hơn, hiệu quả hơn các yêu cầu của xã hội trong bối cảnh đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tác giả: Trần Thế Phiệt t.th.

Tăng trưởng kinh tế ở Đông Á và những mối liên can của nó tới an ninh khu vực (31/07/2008)

Bài viết tập trung phân tích tình hình tăng trưởng kinh tế ở Đông Á dẫn đến những thay đổi về bản chất mối quan hệ quốc tế trong khu vực. Về mặt kinh tế, những chính sách trọng thương thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu góp phần tạo ra những căng thẳng về kinh tế giữa các nền kinh tế đang phát triển nhanh trong khu vực với đối tác thương mại lớn của khu vực là Hoa Kỳ. Về an ninh, đó chính là sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc dẫn đến sự thay đổi lớn về cân bằng quyền lực trong khu vực.
Tác giả: Dwight H. Perkins; Nguyễn Minh Hồng l.th.

Công nghệ số đưa bộ sưu tập của Thư viện Đại học Harvard đến với thế giới (31/07/2008)

Công nghệ số đang là cơ hội cho sự bảo quản và khai thác tư liệu. Trong quá trình chuyển giao này, việc tìm hiểu, nghiên cứu, giới thiệu các kinh nghiệm về lý thuyết và thực tiễn cùng các vấn đề liên quan tới việc giải quyết nhiệm vụ số hoá, lưu giữ vốn tài liệu cổ quý hiếm ở trong và ngoài nước được xem như công việc góp phần vào nhiệm vụ chung mà những người làm công tác nghiên cứu có thể đảm nhận.
Tác giả: Peter Kosewski; Trần Mạnh Tuấn d.