Sử học Việt Nam với sự nghiệp Đổi mới đất nước, chấn hưng dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa (14/07/2009)
Các tác giả trình bày những nhận định sơ bộ về sự phát triển của nền sử học Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới; phân tích và chỉ ra những chuyển biến của nền sử học Việt Nam trên phương diện lý luận, phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận; làm rõ những thành tựu nổi bật cũng như những tồn tại chủ yếu của nền sử học Việt Nam. Đó là tình trạng mò mẫm, tự phát về lý luận và cách tiếp cận; thiếu vắng những công trình cơ bản, có tính chất công cụ và tuyên ngôn học thuật; hiệu quả, chất lượng của công tác giáo dục, tuyên truyền lịch sử trong và ngoài trường học còn yếu kém, v.v…
Tác giả:
Đinh Xuân Lâm, Phạm Hồng Tung
Phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và khủng hoảng kinh tế thế giới (14/07/2009)
Tập trung phân tích hai trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện đang diễn ra là văn hóa và công nghệ, tác giả rút ra một số nhận thức có ý nghĩa phương pháp luận, có ích cho sự phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Một là, cần nhận thức đầy đủ hơn về văn hóa và vai trò của nó đối với sự phát triển của con người và dân tộc Việt Nam. Hai là, cần bổ sung nhận thức về vai trò “bộ lọc”, “phanh hãm” và “van xả” của văn hóa đối với con người trong lĩnh vực hoạt động kinh tế, kinh doanh. Ba là, thực hiện chính sách ưu tiên lợi ích dân tộc, quốc gia trong một thế giới toàn cầu hóa.
Tác giả:
Đỗ Minh Cương
Quản lý môi trường bằng công cụ kinh tế - kinh nghiệm quốc tế (14/07/2009)
Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế thế giới. Trong bối cảnh ấy, việc phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường đòi hỏi cần áp dụng nhiều loại công cụ để quản lý và bảo vệ môi trường hiệu quả. Và kinh tế là một trong những công cụ hiện đang được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bài viết tập trung làm rõ một số công cụ kinh tế trong quản lý môi trường; giới thiệu những kinh nghiệm quốc tế qua thực tiễn áp dụng các công cụ này, từ đó rút ra một số bài học cho Việt Nam.
Tác giả:
Trần Thanh Lâm
Đọc tác phẩm “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản” của Max Weber dưới góc độ văn hóa học (14/07/2009)
Cuốn sách “Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản” của Max Weber giúp trả lời cho câu hỏi tại sao và làm thế nào chủ nghĩa tư bản đã xác lập không chỉ như một mô hình kinh tế mà còn là một “mô hình văn hóa ghi dấu ấn lên trên toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội, tinh thần cũng như vật chất ở châu Âu cận đại và đương đại”. Dưới góc độ văn hóa học, cuốn sách của Max Weber cho thấy rõ mối quan hệ của văn hóa và phát triển: văn hóa như là một trong những động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Bài viết giới thiệu những quan niệm của Max Weber về văn hóa trong cuốn sách này.
Tác giả:
Lê Xuân Kiêu, Phạm Thị Thúy g.th.
Về mô hình trường đại học chất lượng cao: kinh nghiệm Trung Quốc và những gợi ý cho Việt Nam (14/07/2009)
Ở phần nội dung mở đầu, tác giả phân tích một số vấn đề lý luận và thực tiễn của Công trình 211 - công trình xây dựng các trường đại học và các ngành khoa học trọng điểm chất lượng cao của Trung Quốc, với quy mô và kết cấu đầu tư, với việc xây dựng các ngành khoa học trọng điểm và nâng cao năng lực nghiên cứu, nâng cao trình độ tổng thể của các trường, xây dựng hệ thống dịch vụ công cộng của giáo dục đại học và nâng cao tầm ảnh hưởng và hợp tác giao lưu quốc tế. Phần nội dung sau của bài viết dành để đề cập đến một số kinh nghiệm rút ra từ công tác thực hiện Công trình 211 của Trung Quốc cho công cuộc cải cách giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay.
Tác giả:
Ngô Thị Thùy Dung
Những di vật đá có niên đại thời Hậu Lê ở một số ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm (14/07/2009)
Bài viết gồm ba phần nội dung chính: 1) Vài nét về khái niệm và tiêu chí các ngôi chùa thuộc thiền phái Trúc Lâm. 2) Các bia đá có niên đại thời Hậu Lê: bia đá chùa Côn Sơn (Hải Dương), bia đá chùa Thanh Mai (Hải Dương), bia đá chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), bia đá chùa Hoa Yên (Quảng Ninh), bia đá chùa Phổ Minh (Nam Định). 3) Một vài nhận xét về minh văn trên các bia đá này.
Tác giả:
Nguyễn Văn Tiến
Bốn khủng hoảng của hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới đương đại (14/07/2009)
Tài chính hóa và khủng hoảng tài chính, chủ nghĩa đế quốc Mỹ đánh mất bá quyền, các trung tâm quyền lực mới, các nguồn lực và sự phát triển bền vững là những yếu tố đáng chú ý nhất và quan trọng nhất hiện nay. Phân tích bốn lĩnh vực khủng hoảng trên trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới đương đại, tác giả cho thấy những khía cạnh cơ bản của nền kinh tế chính trị toàn cầu, làm rõ những thách thức và những cơ hội đặt ra trong bối cảnh phát triển hiện nay của chủ nghĩa tư bản thế giới.
Tác giả:
William K. Tabb; Xuân Tùng l.th.