Thực trạng đọc văn học ở Việt Nam hiện nay và một số giải pháp, kiến nghị (18/08/2016)

Trên cơ sở phân tích thực trạng đọc nói chung và đọc văn học nói riêng ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhằm hình thành một xã hội đọc, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc nói chung, đọc văn học nói riêng, tác giả bài viết nhấn mạnh một số giải pháp cơ bản: 1- Về việc đẩy mạnh, quán triệt nhận thức về tầm quan trọng của sách và việc đọc sách; 2- Về việc xây dựng mạng lưới phát hành, thư viện; 3- Về việc xây dựng nhận thức đúng đắn về môn Văn trong giáo dục nhà trường; 4- Về trách nhiệm của nhà văn và giới nghiên cứu phê bình; 5- Về trách nhiệm của đội ngũ quản lý văn học, nghệ thuật; 6- Về chính sách văn hóa văn nghệ. Các kiến nghị được tác giả đề xuất bao gồm: cần thống nhất ý chí và chú ý đầu tư hiệu quả; tạo không gian đọc rộng rãi; tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho đội ngũ sáng tác, lý luận, phê bình và dịch thuật văn học; cần có hệ thống chính sách, văn bản pháp luật, pháp quy về an ninh văn hóa đủ thông thoáng để việc sáng tác, xuất bản và tiếp nhận văn học diễn ra thuận lợi.
Tác giả: Nguyễn Đăng Điệp

Thư viện Học viện Viễn Đông Bác cổ (18/08/2016)

Thư viện của Học viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) là một thư viện chuyên ngành có mục tiêu thu thập các sách liên quan đến Đông Dương và khu vực Viễn Đông bằng các ngôn ngữ khu vực, ngôn ngữ châu Âu. Thư viện EFEO được chia thành bảy bộ phận: Phông châu Âu, phông Trung Quốc, phông chữ Hán - Nôm, phông Nhật Bản, bản đồ và bình đồ, các bản viết tay, các bản dập bia. Có giá trị nhất trong Thư viện EFEO là các cuốn sách viết tay bằng hầu hết các ngôn ngữ vùng Viễn Đông. Các văn bản này được viết trên giấy, trên lá cọ, thậm chí được khắc trên các lá kim loại. Ngoài các ấn phẩm xuất bản thường niên, các thành viên của EFEO còn sưu tầm được nhiều tài liệu quý hiếm như những cuốn sách của Tây Tạng, một bộ sách viết tay bách khoa thư của Việt Nam, những bản khắc dập văn bia của người Chàm tại Động Phong Nha. Thư viện EFEO cũng sở hữu những bức ảnh chụp từ khi còn dùng phim kính và sau này là phim âm bản vào khoảng thời gian từ năm 1870 đến năm 1957… Bài viết khái quát về Thư viện EFEO và giới thiệu đôi nét về khối tư liệu quý giá được lưu giữ tại đây.
Tác giả: Ngô Thế Long

Một số vấn đề trong công tác quản lý và hoạt động của các thư viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay (18/08/2016)

Bài viết đánh giá hiện trạng hoạt động thông tin - thư viện trong hệ thống Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam dựa trên những kết quả khảo sát thực tế về nguồn tài nguyên tri thức, về việc ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các chuẩn nghiệp vụ, về nguồn nhân lực và công tác phục vụ bạn đọc; đồng thời đưa ra một số kiến nghị và đề xuất nhằm cải thiện hoạt động thư viện trong toàn hệ thống theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của giới dùng tin và các nhà nghiên cứu, phù hợp với xu thế chung của các thư viện trong nước và quốc tế.
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Trung

Thuyết kiến tạo xã hội trong nghiên cứu khoa học chính sách (18/08/2016)

Thuyết kiến tạo xã hội của Anne Schneider (Giáo sư trường Đại học bang Arizona) và Helen Ingram (Giáo sư trường Đại học California) cho thấy các kiến tạo xã hội tức là các hình dung của xã hội về các nhóm dân số mục tiêu có ảnh hưởng nhất định tới sự hình thành và biến đổi chính sách nói chung và chính sách xã hội nói riêng. Các bằng chứng nghiên cứu triển khai thuyết kiến tạo xã hội của Schneider và Ingram và trường hợp nghiên cứu chính sách xã hội của Ngân hàng thế giới (WB) đã chỉ ra tầm quan trọng ngày càng tăng của tri thức khoa học trong kiến tạo xã hội, và chính sách xã hội dưới tác động của kiến tạo xã hội dựa trên tri thức khoa học đã trở thành một công cụ hiệu quả để phát triển xã hội bao trùm, bền vững.
Tác giả: Lê Ngọc Hùng

Tiếp cận tính cộng đồng: Những bàn luận và nghiên cứu về tính cộng đồng ở Việt Nam (18/08/2016)

Nghiên cứu tính cộng đồng trong học thuật nói chung và nghiên cứu tính cộng đồng của người Việt Nam hay một khu vực, vùng miền nào đó nói riêng nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển cho đến nay chưa thấy xuất hiện nhiều. Các nghiên cứu về tính cộng đồng chủ yếu được tiếp cận từ khoa học tâm lý học và tiếp cận nghiên cứu tính cộng đồng trong tổng thể một vấn đề chung khác. Từ các nghiên cứu rời rạc, với nhiều hướng tiếp cận khác nhau, tác giả mong muốn có phác họa ban đầu những bàn luận về tính cộng đồng của người Việt từ hướng tiếp cận cái chung đến cái riêng, cái tổng thể đến cái cụ thể trên các mặt văn hóa - xã hội theo ba khía cạnh: xã hội - lịch sử, xã hội - văn hóa và nhân cách.
Tác giả: Nguyễn Diệu Hương

Các hội đoàn của sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội: Sự hình thành và các hình thức hoạt động (18/08/2016)

Các hội đoàn của sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội ra đời trên cơ sở nhu cầu sống đạo của mỗi tín đồ, nhu cầu liên kết, gắn bó trong sinh hoạt tôn giáo và nhu cầu thực hành các lễ nghi Công giáo. Hiện tại, sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội được tổ chức thành 22 nhóm với tiêu chí nhóm và những hoạt động rất phong phú, đa dạng. Bài viết làm rõ hơn quá trình hình thành một số hội đoàn dành cho sinh viên Công giáo ngoại tỉnh ở Hà Nội; từ đó nêu lên ý nghĩa của các hoạt động của các hội đoàn trong việc củng cố đức tin cho sinh viên Công giáo xa nhà.
Tác giả: Vũ Thị Hà

Diễn giải không gian - thời gian xã hội trong bối cảnh các quá trình phát triển văn minh (18/08/2016)

Các quá trình và cơ chế hình thành không gian - thời gian xã hội được xem xét trong bối cảnh phát triển nền văn minh của xã hội. Tác giả đề xuất một mô hình biến đổi không gian - thời gian xã hội, từ các xã hội tiền công nghiệp, khi bản chất của xã hội được xác định chủ yếu thông qua các yếu tố tự nhiên, địa lý của môi trường xã hội và bản sắc riêng của các nền văn hóa địa phương cho đến một xã hội công nghiệp, trong đó ghi nhận sự lan truyền và nhân rộng của các công nghệ, các hình thức điều chỉnh của xã hội, và đến thời đại chúng ta, khi giá trị then chốt được nắm giữ bởi các quá trình nhân rộng bản sắc, tạo thành những không gian mới của đời sống xã hội hiện đại, định hướng cho hoạt động giao tiếp, dự định… của mỗi cá nhân và các nhóm nhỏ.
Tác giả: Tkhagapsoev Hazhismel Gisovich; Nguyễn Thị Kim Anh l.d.