Thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 (28/07/2021)
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình nhận thức của các doanh nghiệp (DN) về chuyển đổi số, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Các DN Việt Nam đã ứng dụng ngày càng nhiều hơn các công nghệ kỹ thuật số, tuy nhiên chủ yếu ở các hoạt động quản trị, logistics, marketing, thanh toán,… trong khi khâu quan trọng nhất là sản xuất lại chưa thực sự được chú trọng. Năng lực chuyển đổi số của DN, dù được nâng lên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-11, vẫn diễn biến khó lường, và nhìn chung vẫn hạn chế. Để hỗ trợ các DN chuyển đổi số, Chính phủ cần có thêm các giải pháp giúp DN vượt qua các rào cản trong chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là rào cản về chi phí, hạ tầng thông tin và vấn đề an toàn thông tin.
Tác giả:
Lương Minh Huân, Nguyễn Thị Thùy Dương
Áp dụng thương mại điện tử nhằm nhận diện thương hiệu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên không gian mạng tại Việt Nam (28/07/2021)
Thương mại điện tử (TMĐT) đang dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Người mua sắm trực tuyến có thể tìm kiếm và lựa chọn hàng hóa, dịch vụ ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Những thay đổi này mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam trong việc khai thác TMĐT như một công cụ hiệu quả để tăng cường sự hiện diện hình ảnh của sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp trên không gian mạng. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng áp dụng TMĐT nhằm nhận diện thương hiệu của các DNNVV trên không gian mạng tại Việt Nam, nhận định những thách thức mà các DNNVV đang phải đối mặt trong việc áp dụng và thực hiện TMĐT để nâng cao nhận thức và quảng bá thương hiệu. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất giải pháp giúp các DNNVV tăng cường nhận diện thương hiệu khi áp dụng TMĐT.
Tác giả:
Đặng Thái Bình, Nguyễn Thị Nhung
Hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử: Cơ hội mới cho tiểu thuyết và cho lịch sử (28/07/2021)
Gần đây, tiểu thuyết lịch sử được giới sáng tác và nghiên cứu tại Việt Nam quan tâm khá nhiều. Vấn đề hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử cũng được nhiều người bàn luận, trong đó có những ý kiến trái chiều. Bài viết đề cập đến những quan niệm khác nhau về mối quan hệ giữa hiện thực lịch sử và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử, đồng thời khẳng định rằng, hư cấu nghệ thuật đã mở ra những cơ hội mới cho tiểu thuyết và cho lịch sử.
Tác giả:
Phạm Quỳnh An
Biến đổi văn hóa ở các tộc người thiểu số khu vực biên giới Việt Nam - Lào trong quá trình phát triển và hội nhập (28/07/2021)
Biến đổi văn hóa của các tộc người thiểu số (TNTS) ở vùng biên là một xu thế khó tránh khỏi trong quá trình phát triển và hội nhập vài thập niên gần đây, trong đó có đời sống văn hóa của các TNTS Việt Nam ở khu vực biên giới với Lào. Thời gian qua, nhiều nghiên cứu đã góp phần làm rõ những biến đổi văn hóa của các TNTS của Việt Nam ở vùng biên giới Việt Nam - Lào do ảnh hưởng qua lại giữa các tộc người xen cư, cộng cư trong vùng và xuyên biên giới; nhấn mạnh đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần truyền thống của các tộc người này trong bối cảnh hiện nay. Bài viết tổng quan một số nghiên cứu nổi bật về biến đổi văn hóa ở các TNTS thuộc vùng biên giới Việt Nam - Lào vài thập niên gần đây, trên cơ sở đó chỉ ra những khoảng trống nghiên cứu và đề xuất định hướng nghiên cứu trong thời gian tới.
Tác giả:
Lê Thị Hường
Quan điểm của sinh viên về quyền được công nhận giới tính của người đồng tính, song tính, chuyển giới (28/07/2021)
Người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) thường chịu nhiều bất bình đẳng trong xã hội, một trong số đó là việc không được công nhận giới tính. Bài viết cho thấy trên thế giới đã có những chuyển biến về quyền được công nhận giới tính của người
LGBT và những quyền khác liên quan; trong khi đó, Việt Nam chưa công nhận giới tính của người LGBT. Kết quả nghiên cứu của tác giả đối với khách thể là sinh viên cũng cho thấy tỷ lệ cao sinh viên ủng hộ quyền được công nhận giới tính của người LGBT: mong muốn người LGBT được công nhận giới tính riêng, được xác định lại giới tính, được phẫu thuật chuyển giới, đổi tên để phù hợp với giới tính mong muốn; tuy nhiên cũng có nhiều sinh viên cho rằng cần kèm theo các điều kiện khi đáp ứng quyền này của người LGBT.
Tác giả:
Nguyễn Đức Tuyến
Tiếp cận hiện tượng xuống cấp đạo đức xã hội ở Việt Nam từ các lý thuyết xã hội học (28/07/2021)
Sự xuống cấp của đạo đức xã hội ở Việt Nam trong thời gian gần đây diễn ra với tần suất báo động và tính chất ngày càng phức tạp. Những hệ lụy để lại cho xã hội, cho con người trong xã hội là không nhỏ với nhiều biểu hiện đa dạng, phức tạp, khó có thể giải quyết hài hòa nếu không tìm ra đúng căn nguyên, nguồn gốc sâu xa của hiện tượng này. Đã có nhiều nghiên cứu luận giải về các nguyên nhân khác nhau của hiện tượng xuống cấp đạo đức xã hội. Bài viết luận giải nguồn gốc sâu xa của sự xuống cấp đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay từ hướng tiếp cận của một số lý thuyết xã hội học, trên cơ sở đó hàm ý một số định hướng giải pháp nhằm khắc phục sự xuống cấp của đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Hữu Tài
Vấn đề đoàn kết quốc tế trên một số tờ báo cách mạng ở Bắc kỳ giai đoạn 1939-1945 (28/07/2021)
Giai đoạn 1939-1945, thế giới bước vào cuộc chiến tranh phát xít và cục diện ngày càng gay gắt, nhiều nước bị lôi kéo tham gia vào guồng máy này, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Đông Dương nhanh chóng chỉ đạo các tờ báo cách mạng lên tiếng cùng các nước chống phát xít. Quán triệt chủ trương của Đảng Cộng sản, báo chí cách mạng ở Bắc kỳ giai đoạn 1939-1945 đã dành nhiều bài viết về tinh thần đoàn kết quốc tế, phản đối chiến tranh phi nghĩa. Phản đối chiến tranh, đứng về phía nhân dân, bảo vệ nhân dân lao động trên toàn thế giới là tiếng nói và hành động xuyên suốt, nhất quán của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam.
Tác giả:
Trần Thị Thanh Huyền