Khía cạnh văn hoá của phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hoá (02/10/2008)

Phát triển bền vững đang là vấn đề được quan tâm rất nhiều vì nó liên quan đến mọi lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội, con người… Ở bài viết này, tác giả chỉ tập trung phân tích một số khía cạnh văn hoá chủ yếu của vấn đề, đó là: nhận thức và thái độ đối với môi trường - khía cạnh văn hoá đầu tiên của phát triển bền vững; giáo dục đạo đức trong sản xuất, kinh doanh và quản lý; ý thức về dân số - một cơ sở quan trọng của phát triển bền vững; văn hoá hoà bình - một nền tảng chủ chốt của phát triển bền vững.
Tác giả: Nguyễn Văn Dân

Nửa thế kỷ với sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học (02/10/2008)

Bài viết phác hoạ chặng đường 50 năm (1956-2006) xây dựng và phát triển của Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; đồng thời nhìn lại từng bước trưởng thành trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ học của các thế hệ thầy và trò tiếp nối trong Khoa kể từ khi còn là bộ môn Ngôn ngữ học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (bắt đầu từ năm 1956) cho đến nay (khi Khoa Ngôn ngữ học đã trở thành một cơ sở đào tạo chuyên ngành độc lập).
Tác giả: Vương Toàn

Kinh tế, chính trị thế giới 2005 và dự báo 2006 (02/10/2008)

"Kinh tế, chính trị thế giới 2005 và dự báo 2006" là cuốn sách do Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa xuất bản, đề cập toàn cảnh kinh tế, chính trị quốc tế, bao gồm ba phần lớn: đánh giá tình hình kinh tế thế giới năm 2005; tình hình chính trị quốc tế 2005 và những đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế, chính trị thế giới năm 2006. Cuốn sách đã khắc hoạ được những đặc điểm và động thái chính, phân tích nguyên nhân và thực trạng của các chỉ số kinh tế vĩ mô, thương mại quốc tế, tài chính tiền tệ quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài; khái quát những xu hướng chính trị quốc tế hiện nay, nêu lên những sự kiện chính trị nổi bật và trình bày vị thế chính trị quốc tế của các nước đang phát triển; nhận định về xu hướng chung của kinh tế, chính trị quốc tế năm 2006, trong đó có những điểm nhấn mạnh liên quan đến tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Ngoài nội dung chính, cuốn sách còn có phần Phụ lục thống kê tình hình kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam gồm một hệ thống bảng biểu minh hoạ, là dữ liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến kinh tế thế giới.
Tác giả: Lê Bộ Lĩnh ch.b.; Thu Hiền l.th.

Cải cách hành chính trong các lĩnh vực kế hoạch - tài chính và quản lý khoa học của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (02/10/2008)

Thực hiện mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong giai đoạn 2001 - 2005 đã tập trung vào bốn nội dung cơ bản: cải cách trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 5 năm và hàng năm; cải cách trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý các chương trình, đề tài và các hoạt động khoa học khác; cải cách trong việc đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học và tài chính; cải cách về thể chế các hoạt động khoa học và phục vụ khoa học. Đó là những nội dung mà bài viết phân tích làm rõ, qua đó đưa ra những đánh giá về thực trạng cũng như kết quả của các lĩnh vực kế hoạch - tài chính và quản lý khoa học trong 5 năm qua của Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Tác giả: Phạm Văn Vang

Thị trường hôn nhân xuyên biên giới Đài - Việt: cô dâu Việt Nam dưới tác động của đường dây môi giới công nghiệp (02/10/2008)

Trong quá trình mở cửa, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, ở Việt Nam, nhiều vấn đề xã hội đã nảy sinh, cần có sự nghiên cứu toàn diện, chi tiết, để có thể nhìn nhận và giải quyết đúng đắn và kịp thời. Một trong những vấn đề đó là tình trạng lấy chồng nước ngoài của các cô gái Việt Nam, nhóm đông nhất là lấy chồng Đài Loan. Mong muốn có một cuộc sống gia đình tốt đẹp hơn là ước mong chính đáng của các cô gái. Nhưng các cô gái ấy có thực sự hạnh phúc không? Không ít bi kịch đã được báo chí lên tiếng, song cũng không hẳn tất cả là như vậy. Xin giới thiệu với bạn đọc luận văn của tác giả Đài Loan Trương Thư Minh, một tài liệu tham khảo hữu ích giúp tìm hiểu một số quan điểm, đánh giá của bên ngoài về thị trường hôn nhân xuyên biên giới Đài - Việt.
Tác giả: Trương Thư Minh; Nguyễn Thị An g.th.

Luận chứng của K. Marx về vấn đề dân chủ trong tác phẩm “Phê phán cương lĩnh Gotha” (02/10/2008)

Tác phẩm “Phê phán cương lĩnh Gotha” của K. Marx đã phê phán quan điểm sai lầm của Lassalle và đề cập không ít nội dung quan trọng về các vấn đề kinh tế học chính trị. Ở đây, bài viết tìm hiểu luận chứng của Marx về vấn đề dân chủ. Thứ nhất, dân chủ là giá trị chung của nhân loại, đánh dấu sự phát triển tiến bộ của xã hội loài người. Thứ hai, dân chủ là hình thức tổ chức chính trị xã hội, một hình thức tổ chức của Nhà nước và các thiết chế của nó. Thứ ba, làm rõ những cơ sở kinh tế, quan hệ sản xuất vật chất của tự do, dân chủ, bình đẳng trong xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội xã hội chủ nghĩa. Thứ tư, chỉ ra những đặc điểm về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, do vậy, nhất thiết phải xác lập và hoàn thiện Nhà nước chuyên chính vô sản, Nhà nước kiểu mới, nền dân chủ kiểu mới của nhân dân lao động.
Tác giả: Lê Xuân Huy

Toàn cầu hoá lĩnh vực giáo dục đại học (02/10/2008)

Tác giả bài viết đưa ra một số suy nghĩ về vấn đề toàn cầu hoá giáo dục đại học, đặc biệt làm rõ các phương diện kinh tế, chính trị, văn hoá và kỹ thuật của toàn cầu hoá cũng như ảnh hưởng của các phương diện này tới lĩnh vực giáo dục đại học trong đời sống xã hội hiện nay.
Tác giả: Maiburov I.; Mai Linh l.th.

Chính sách “láng giềng hoà thuận, láng giềng bình yên, láng giềng giàu có” của Trung Quốc (02/10/2008)

Trung Quốc là nước có nhiều láng giềng nhất trên thế giới, công cuộc cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hoá của Trung Quốc muốn có nhiều thuận lợi, cần phải xử lý tốt mối quan hệ với các nước xung quanh. Nhưng do các nguyên nhân về mặt lịch sử và chính trị quốc tế, giữa Trung Quốc và các nước xung quanh luôn tồn tại rất nhiều vấn đề: thời kỳ đầu cải cách mở cửa, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực lúc thăng lúc trầm. Bước vào thế kỷ mới, cùng với việc đi sâu cải cách mở cửa, quan hệ giữa Trung Quốc với các khu vực và các nước xung quanh có sự cải thiện rất lớn, đồng thời từ chỗ tham gia hợp tác một cách bị động sang chủ động thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Chính trong bối cảnh ấy, Trung Quốc luôn nhấn mạnh “thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng”. Những năm gần đây, Trung Quốc đã nêu lên tư tưởng ngoại giao “láng giềng hoà thuận, láng giềng bình yên, láng giềng giàu có”, đồng thời từng bước phát triển và hoàn thiện trong thực tiễn.
Tác giả: Hanfeng; Hồng Yến d.