Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay (24/09/2008)
Kinh tế tư nhân Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, đồng thời cũng phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh gay gắt, cả từ trong nước lẫn bên ngoài. Khu vực kinh tế tư nhân có tiềm năng phát triển rất lớn và sẽ thực sự trở thành một trong những động lực của nền kinh tế nếu khắc phục được những hạn chế từ phía bản thân doanh nghiệp và có được sự quan tâm một cách toàn diện của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành và nhân dân trong cả nước.
Tác giả:
Lê Huy Thực
Một số vấn đề về phân tầng xã hội hợp thức ở Việt Nam hiện nay (24/09/2008)
Phân tầng xã hội nảy sinh là do có sự tồn tại của hiện tượng bất bình đẳng, tức là sự không ngang bằng nhau giữa các thành viên trong xã hội về mặt năng lực, thể chất, trí tuệ, điều kiện, cơ may; là do có sự phân công lao động xã hội về mặt nghề nghiệp và những vị thế xã hội chiếm ưu thế. Phân tầng xã hội hợp thức là phân tầng xã hội được hình thành một cách tự nhiên, nảy sinh chủ yếu trên cơ sở của sự khác biệt về tài, đức và sự đóng góp, cống hiến thực tế của mỗi cá nhân cho xã hội. Phân tầng xã hội không hợp thức là tất cả những gì đối lập với phân tầng xã hội hợp thức.
Tác giả:
Nguyễn Đình Tấn
Các nước Đông Bắc Á được trình bày trong các sách giáo khoa trung học và đại học ở Việt Nam hiện nay như thế nào (24/09/2008)
Trên cơ sở khảo sát và phân tích định lượng một số bộ sách giáo khoa hệ trung học và giáo trình đại học (chủ yếu là khối ngành khoa học xã hội và nhân văn), bài viết tập trung tìm hiểu những nét chính về thời lượng và nội dung trình bày về các quốc gia Đông Bắc Á. Do bậc học phổ thông ở Việt Nam gồm 12 lớp, mỗi lớp lại có nhiều loại sách giáo khoa và sách tham khảo, do cấu trúc kiến thức của mỗi môn học, nên tác giả bài viết chỉ quan tâm đến các loại sách chính là Lịch sử, Địa lý và Văn học. Tương tự, đối tượng tập trung khảo sát với hệ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp cũng chỉ gồm các sách, giáo trình liên quan đến lịch sử, văn hoá, tộc người… Do đối tượng và phạm vi tìm hiểu tương đối rộng, tác giả bài viết sẽ kết hợp các phương pháp khảo tả và định lượng nhằm cung cấp những hiểu biết cơ bản về các quốc gia Đông Bắc Á được thể hiện trong hệ thống các sách giáo khoa và giáo trình chuẩn ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Văn Khánh
Một số vấn đề kinh tế - xã hội sau 20 năm Đổi mới ở Việt Nam (24/09/2008)
Thực hiện chủ trương tổng kết 20 năm Đổi mới ở Việt Nam của Đảng và Nhà nước ta, được sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Hà Nội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nhóm tác giả của “Dự án 20 năm Đổi mới ở Việt Nam” đã tập trung nghiên cứu, phân tích, lý giải những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội qua 20 năm tiến hành đổi mới đất nước, rút ra những bài học cả về lý luận và thực tiễn, nhằm góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng hiệu quả, ổn định và vững chắc hơn. Các tác giả đã nhấn mạnh tới 8 vấn đề, tương ứng với nội dung 8 chương của cuốn sách Một số vấn đề kinh tế - xã hội sau 20 năm Đổi mới ở Việt Nam, là kết quả nghiên cứu ban đầu của Dự án.
Tác giả:
Dự án hỗ trợ tổng kết 20 năm Đổi mới ở Việt Nam; Tùng Khánh l.th.
Tổ chức và quản lý đề tài nghiên cứu khoa học ở Nhật Bản (24/09/2008)
Nhật Bản không chỉ là một cường quốc về kinh tế, mà còn là một cường quốc về khoa học và công nghệ. Nói cách khác, nền kinh tế Nhật Bản mạnh cũng vì có nền khoa học và công nghệ mạnh và ngược lại. Là một nước không có truyền thống khoa học và công nghệ từ nhiều thế kỷ trước như các nước châu Âu, nhưng Nhật Bản đã làm được nhiều điều đáng học tập về khoa học và công nghệ trong thế kỷ vừa qua. Bài viết giới thiệu một số thông tin về tổ chức và quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học ở Nhật Bản.
Tác giả:
Hồ Tú Bảo
Từ điển tra cứu tiếng Nga ở Thư viện Khoa học xã hội (24/09/2008)
Bài viết phác hoạ những nét đặc trưng chung của mảng từ điển tra cứu trong dòng tài liệu tiếng Nga của Thư viện Khoa học xã hội, Viện Thông tin Khoa học xã hội, với tính đa dạng, hàm lượng thông tin cao, luôn cập nhật, tính hệ thống, tính khái quát, tính chính xác, tính đầy đủ và độ tin cậy, có vị trí quan trọng trong hệ thống sách báo khoa học và đời sống khoa học. Các bộ từ điển tra cứu tuy khối lượng không nhiều nhưng có giá trị khoa học và thực tiễn, giúp người dùng có thể tra cứu các đơn vị từ, thuật ngữ, khái niệm, sự kiện, địa danh, nhân vật,… hay các định nghĩa, cách phát âm, cách viết, cách sử dụng, nguồn gốc từ,… với nội dung ngắn gọn, súc tích, chuẩn mực và dễ hiểu.
Tác giả:
Đào Duy Tân
Năng lượng, xung đột về tài nguyên và trật tự thế giới đang nổi lên (24/09/2008)
Michael T. Klare, giáo sư chuyên ngành nghiên cứu Hoà bình và an ninh thế giới tại trường đại học Hampshire (Mỹ), là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về xung đột nảy sinh do tài nguyên thiên nhiên. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách như: “Các cuộc chiến giành tài nguyên: Bối cảnh mới của cuộc xung đột toàn cầu” (2001), “Máu và dầu lửa: Những mối nguy hiểm và những hậu quả của sự lệ thuộc ngày càng nhiều của Mỹ về nguồn dầu lửa nhập khẩu” (2005). Cuốn sách mới nhất của ông về đề tài này có tựa đề: “Các cường quốc đang lên, một hành tinh đang thu nhỏ lại: Địa chính trị mới về năng lượng” được xuất bản vào tháng 4/2008.
Tác giả:
Michael T. Klare; Lê Xuân d.