Minh triết trong bước chuyển tư tưởng Hồ Chí Minh từ mục tiêu độc lập dân tộc đến mục tiêu kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội (08/10/2013)
Tư tưởng gắn kết độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh thể hiện tầm minh triết của Người, thực chất là kết quả vận dụng sáng tạo những lý luận cách mạng tiên tiến của thời đại và truyền thống vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Sự minh triết trong tư tưởng của Người về độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội thể hiện đặc sắc nhất là ở các mục tiêu cách mạng cơ bản nhất thiết phải đạt tới mà Người luôn luôn nhấn mạnh. Thời đại toàn cầu hóa hiện nay đòi hỏi việc vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về việc gắn kết độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên tinh thần mới nhằm mục tiêu “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Đó không chỉ là công việc của giới lý luận hiện nay.
Tác giả:
Lê Thị Lan
Tư duy về Hiến pháp và việc xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở Việt Nam (08/10/2013)
Trên cơ sở nhấn mạnh ý nghĩa của việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tính chất của Hiến pháp, tác giả bài viết đề cập đến năm yêu cầu cần bảo đảm trong việc hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: 1- Tính độc lập và chuyên trách của cơ quan bảo vệ Hiến pháp. 2- Thể chế bảo vệ Hiến pháp bao gồm những nguyên tắc chính trị - pháp lý hiến định và những quy định mang tính chuyên biệt được thể hiện trong một hệ thống văn bản đồng bộ, nhất quán, minh bạch, rõ ràng. 3- Phương thức vận hành bảo vệ Hiến pháp phải phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền của cơ quan bảo vệ Hiến pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. 4- Cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. 5- Bảo đảm sự lãnh đạo hợp hiến của Đảng Cộng sản đối với cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tác giả:
Tào Thị Quyên
Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - nhìn từ phương diện lý luận (08/10/2013)
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi mà quy mô của các doanh nghiệp đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, thì những vấn đề đạo đức và trách nhiệm liên quan đến sản xuất và kinh doanh không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia. Vậy nội dung của những vấn đề này như thế nào? Chúng đồng nhất với nhau hay có sự khác biệt, và nếu có thì làm thế nào để phân biệt chúng? Góp phần trả lời những câu hỏi trên, bài viết tập trung phân tích những nét tương đồng và khác biệt giữa đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trên một số phương diện; đồng thời đề cập đến một số nhận thức cơ bản về mối quan hệ này ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Thị Lan Hương
Nâng cao chất lượng và hiệu quả của phản biện xã hội để phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay (08/10/2013)
Bài viết trình bày sáu phần nội dung: 1- Nâng cao nhận thức trong Đảng, nhà nước và các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị về phản biện xã hội và phát huy dân chủ. 2- Hình thành dư luận xã hội tích cực trong các tầng lớp nhân dân đối với phản biện xã hội và phát huy dân chủ. 3- Xác lập cơ chế phản biện xã hội và đảm bảo những điều kiện thực hiện cơ chế. 4- Đẩy mạnh thực hành dân chủ theo Quy chế và Pháp lệnh dân chủ cơ sở. 5- Thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường chế độ trách nhiệm xã hội của các cơ quan công quyền đối với dân chúng. 6- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng từ yêu cầu phản biện xã hội và phát huy dân chủ.
Tác giả:
Nguyễn Thị Mỹ Trang, Trần Thị Bích Hằng
Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực nữ ở nước ta trong giai đoạn 2011-2020 (08/10/2013)
Nội dung bài viết làm rõ thực trạng nguồn nhân lực nữ và đưa ra những giải pháp phát triển nguồn nhân lực nữ ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 dựa trên kết quả khảo sát của Đề tài cấp Nhà nước “Cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ trong giai đoạn 2011-2020” mã số 58G/2011/ĐTĐL được thực hiện trong hai năm 2012-2013 tại 8 tỉnh đại diện cho các khu vực kinh tế thuộc ba vùng miền trên cả nước (Ninh Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Tây Ninh, Sóc Trăng, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh). Cơ cấu mẫu được lựa chọn dựa trên cơ cấu xã hội như ở thành thị và nông thôn, lứa tuổi và ngành nghề, với tổng số 2.400 mẫu định lượng và 168 mẫu định tính.
Tác giả:
Nguyễn Thị Thu Hoài
Bản lĩnh văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập (08/10/2013)
Chiều sâu, căn cốt của văn hóa dân tộc Việt Nam từ lâu đã được giới nghiên cứu văn hóa quan tâm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, bản lĩnh văn hóa dân tộc đứng trước những thử thách lớn, có nguy cơ lung lay gốc rễ. Tuy nhiên, đó cũng có thể xem là cơ hội để chúng ta thể hiện và nâng cao bản lĩnh văn hóa dân tộc. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến bản lĩnh văn hóa dân tộc, một lần nữa khẳng định dân tộc Việt Nam có bản lĩnh văn hóa dày dạn, đã được tôi luyện qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Điều đó có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc hội nhập quốc tế hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Tiến Dũng
Về sự phân tầng xã hội trong chăm sóc sức khỏe người dân (08/10/2013)
Nắm rõ thực trạng công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các nhà hoạch định chính sách, hoạt động y tế và xã hội trong việc hoạch định và đưa ra những quyết sách dựa trên bằng chứng theo định hướng công bằng. Góp phần vào công việc này, các tác giả bài viết nêu và phân tích thực trạng phân tầng xã hội trong chăm sóc sức khỏe người dân ở Việt Nam thời gian qua, xét trên hai khía cạnh: tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và chi tiêu y tế. Qua đó, rút ra một số nhận định bước đầu, gợi mở hướng nghiên cứu tiếp theo về giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại.
Tác giả:
Đào Văn Dũng, Phạm Gia Cường