Nhận thức về định hướng chính trị đối với phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 qua Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII (25/09/2016)

Bài viết từng bước làm rõ ba nội dung cơ bản của định hướng chính trị đối với phát triển văn hóa trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam: 1- Xây dựng đường lối chiến lược và những tiêu chí cơ bản của phát triển văn hóa theo định hướng chính trị; 2- Xác định những nội dung văn hóa cơ bản cần phát triển theo định hướng chính trị; 3- Xác lập những công cụ quản lý văn hóa thích hợp đảm bảo cho văn hóa phát triển đúng hướng. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy việc hiện thực hóa định hướng chính trị trong phát triển văn hóa của Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Tác giả: Lê Thị Lan

Chữ Tâm - giá trị cao nhất của văn hóa (25/09/2016)

Lịch sử đã chứng minh cái Tâm của chủ thể văn hóa luôn luôn là chìa khóa để đối thoại với lương tri, để đủ can đảm tha thứ cho cái dã man, và để tháo bỏ thù hận hướng về những giá trị nhân văn bền vững. Thế kỷ XXI đã xuất hiện những hình thái mới của văn hóa nhưng cái Tâm vẫn là ý nghĩa cao nhất, tinh lực nhất để các nền văn hóa xích lại gần nhau. Trên cơ sở xem xét và phân tích các sự kiện ngoại giao, từ góc độ văn hóa, giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và Hoa Kỳ - Nhật Bản có liên quan đến Truyện Kiều và việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố của Nhật Bản, tác giả làm sáng tỏ giá trị cao nhất của văn hóa - chữ Tâm.
Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng

Khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ - hình thức trong thi pháp học (25/09/2016)

Khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ - hình thức văn chương là một trong những khuynh hướng cơ bản của thi pháp học. Những người theo luận thuyết này quan niệm ngôn ngữ văn chương là một hệ thống tín hiệu có tính thẩm mỹ cao. Họ chú trọng nghiên cứu hình thức nghệ thuật hơn là nội dung tư tưởng tác phẩm. Khuynh hướng này bắt đầu thịnh hành ở châu Âu đầu thế kỷ XX, nhưng phải đến những năm 1960 nó mới được giới thiệu ở Việt Nam. Bài viết gồm ba phần nội dung: 1- Khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ văn chương; 2- Trường phái hình thức luận trong văn học; 3- Khuynh hướng thi pháp học ngôn ngữ - hình thức ở Việt Nam.
Tác giả: Phạm Ngọc Hiền

Về bút pháp nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn (25/09/2016)

Sử dụng bút pháp trữ tình, thơ chữ Hán Đào Tấn không chỉ dừng lại ở việc miêu tả những bức tranh thiên nhiên, đời sống tinh tế, hay kể lại những sự kiện cá nhân, lịch sử trọng đại, mà tập trung hơn hết, và cuối cùng cũng nhằm biểu lộ một thế giới trữ tình phong phú, phức tạp, là những dằn vặt, suy tư, chiêm nghiệm trước cuộc đời nhiều thay đổi của tác giả và hiện thực xã hội bộn bề của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thông qua tác phẩm “Đào Tấn - thơ và từ” của Vũ Ngọc Liễn, bài viết đi sâu tìm hiểu bút pháp nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn cũng như đóng góp của tác giả trên phương diện sáng tác thơ chữ Hán.
Tác giả: Nguyễn Đình Thu

Một số vấn đề về thờ cúng tổ tiên ở dòng họ của người Công giáo (trường hợp giáo xứ Kẻ Sặt, Hải Dương) (25/09/2016)

Trong những năm gần đây, tín đồ Công giáo một số nơi ở Việt Nam không chỉ lập lại bàn thờ tổ tiên trong nhà, mà còn khôi phục lại nhà thờ họ, nhà thờ tổ và lập gia phả. Bài viết giới thiệu động thái này ở giáo xứ Kẻ Sặt (Hải Dương) thông qua việc thờ cúng tổ tiên ở cấp dòng họ. Từ đó cho thấy, các nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Công giáo không ảnh hưởng tới niềm tin tôn giáo của họ, thậm chí còn làm phong phú, đa dạng hơn các sinh hoạt tôn giáo trong cộng đồng người Công giáo.
Tác giả: Vũ Thị Thanh Tâm

Các nghiên cứu về môi trường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (25/09/2016)

Môi trường thu hút đầu tư là các yếu tố trong môi trường kinh doanh của một quốc gia có tác động thúc đẩy, khuyến khích hay hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư ở một quốc gia nào đó. Một môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài phải dựa vào sự ổn định chính trị, tiềm lực kinh tế, lợi thế về điều kiện tự nhiên, cũng như các chủ trương và các cơ chế chính sách nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài một bức tranh tổng thể và các thông tin toàn diện, cần thiết về môi trường đầu tư. Nội dung bài viết đem đến một bức tranh tổng quan các nghiên cứu về môi trường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm cả các nghiên cứu trên thế giới và các nghiên cứu trường hợp Việt Nam.
Tác giả: Hồ Thu Hiền

Nhà tiên tri của sự bất ổn (25/09/2016)

Nhà kinh tế học người Mỹ Frank Hyneman Knight (1885-1972) có thể được coi như một nhà kinh tế học bảo thủ đối với thời đại bất ổn của chúng ta. Ông là người ủng hộ chủ nghĩa tư bản có phê phán. Mối quan tâm lớn nhất của ông tập trung vào trạng thái tinh thần và hành vi của xã hội với ý thức sâu sắc về chủ nghĩa hiện thực. Frank H. Knight có thể làm sáng tỏ những mối quan tâm đương thời về sự bình đẳng, độc quyền và các chu kỳ thị trường để chúng ta có thể cải thiện các cuộc tranh luận chính trị. Frank H. Knight xứng đáng nhận được sự quan tâm vì những hiểu biết sâu sắc của ông đã cho chúng ta thấy linh hồn của nền kinh tế hiện đại.
Tác giả: David Cowan; Lan Anh d.