Nhận diện cục diện chính trị - an ninh mới tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi (28/08/2017)
Từ sau biến động chính trị - xã hội Mùa xuân Arab năm 2011 đến nay, khu vực Trung Đông - Bắc Phi vẫn luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của thế giới bởi sự bất ổn, mất an ninh, chiến tranh và thảm họa nhân đạo. Cục diện cũ của khu vực bị phá vỡ, trật tự cũ của khu vực bị đảo lộn, dẫn đến yêu cầu khách quan là phải hình thành cục diện mới, trật tự mới để thay thế. Bài viết tập trung làm rõ các nhân tố tác động gây ra hệ lụy nói trên của khu vực Trung Đông - Bắc Phi, đồng thời phân tích sự vận động của các diễn biến, các chủ thể tham gia trò chơi quyền lực ở khu vực nhằm nhận biết những đường nét cơ bản của cục diện chính trị - an ninh mới đang hình thành.
Tác giả:
Nguyễn Thanh Hiền
Về vai trò kiến tạo của Nhà nước trong phát triển giáo dục, đào tạo ở Việt Nam hiện nay (28/08/2017)
Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển nói chung, nhà nước kiến tạo phát triển giáo dục, đào tạo nói riêng đang là vấn đề có tính thời sự cả về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Trong sứ mệnh phát triển giáo dục, đào tạo, theo tác giả bài viết, vai trò của Nhà nước được thể hiện trong việc: i- xây dựng chiến lược, tạo dựng môi trường và thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo; ii- dự báo, cung cấp thông tin và bảo đảm cân đối vĩ mô; iii- thiết lập các công cụ quản lý, hướng dẫn và thu hút đầu tư; iv- thực hiện dân chủ, công bằng và minh bạch trong quản lý, phát triển; v- kiến tạo phát triển và trọng dụng nhân tài.
Tác giả:
Lê Minh Quân
Công khai thông tin về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở Việt Nam (28/08/2017)
Nhận thức về tính chất dân chủ để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát bộ máy đảng và nhà nước là nhận thức xuyên suốt và thể hiện tính chất dân chủ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để phát huy dân chủ, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân cần phải thực hiện nhiều giải pháp khác nhau. Nội dung bài viết làm sáng tỏ một phần thực trạng pháp luật về công khai thông tin về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm thực hiện dân chủ trực tiếp hiện nay, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm thay đổi nhận thức về việc công khai thông tin về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Tác giả:
Trần Văn Duy
Tri thức dân gian về các hiện tượng thiên nhiên của một số tộc người miền núi phía Bắc (28/08/2017)
Bài viết góp phần làm sáng tỏ tri thức dân gian về các hiện tượng thiên nhiên của một số tộc người miền núi phía Bắc như Dao, Tày, Nùng, Thái, Hmông… Những tri thức này được tồn tại và phát triển chủ yếu thông qua trí nhớ và truyền miệng, qua các câu châm ngôn, thành ngữ, tục ngữ, qua thực hành lao động hàng ngày của người nông dân nhằm thích ứng và biến đổi môi trường tự nhiên và xã hội, phục vụ cho lợi ích vật chất và tinh thần của bản thân và cộng đồng.
Tác giả:
Võ Thị Mai Phương
Về bảo tồn nghề thủ công truyền thống của các tộc người ở Việt Nam hiện nay (28/08/2017)
Từ việc tổng quan các tài liệu có liên quan, từ kinh nghiệm nghiên cứu và tham gia thực hiện một số dự án bảo tồn nghề thủ công truyền thống, tác giả bài viết nêu một số ý kiến về quan điểm, giải pháp bảo tồn nghề thủ công truyền thống của các tộc người ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Tác giả bài viết khẳng định, cách thức bảo tồn hữu hiệu là bảo tồn động, nhà nước và các thiết chế văn hóa tạo điều kiện cho người dân bảo tồn nghề thủ công truyền thống ngay tại cộng đồng, trong môi trường sản sinh, tích hợp và phát triển văn hóa, với tinh thần cốt lõi là bảo tồn bởi cộng đồng - chủ thể văn hóa, gắn bảo tồn với phát huy giá trị, lợi thế của nghề thủ công truyền thống trong cuộc sống đương đại.
Tác giả:
Phạm Minh Phúc
Đời sống tôn giáo ở Đàng Trong thời Chúa Nguyễn Phúc Chu - Cái nhìn từ bên ngoài (28/08/2017)
Chúa Nguyễn Phúc Chu - vị chúa đời thứ sáu trong chín đời chúa Nguyễn - là một người mộ đạo Phật. Trong 34 năm tại vị ngôi vương (1691-1725), Chúa Nguyễn Phúc Chu đã có nhiều hoạt động góp phần quan trọng vào việc chấn hưng Phật giáo trên đất Đàng Trong. Để tìm hiểu tình hình sinh hoạt tôn giáo thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (giai đoạn cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷ XVIII), ngoài các bộ chính sử và các ghi chép của người Việt từ các nguồn khác nhau, còn có thể tham khảo các ghi chép của những người nước ngoài đã từng sống ở Việt Nam thời kỳ này. Trong bài viết, các tác giả sử dụng tài liệu của một nhà sư Trung Hoa rất nổi tiếng đương thời là Thích Đại Sán và tài liệu của một số giáo sĩ thừa sai để có thể có được cái nhìn khách quan hơn về đời sống tôn giáo tín ngưỡng giai đoạn này.
Tác giả:
Lê Bá Trình, Nguyễn Ngọc Quỳnh
Chết trong biển nước: Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông, một năm sau (28/08/2017)
Bài viết đề cập đến 5 nhóm nội dung chủ yếu trong phán quyết của Tòa Trọng tài xử vụ kiện của Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền “đường chín đoạn”; phân tích lập trường ngoại giao, động thái phản ứng của Trung Quốc, ASEAN, của Nhật Bản, Mỹ và Australia. Bài viết khẳng định, một năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, cả Trung Quốc và Philippines đều không áp dụng các biện pháp để tuân thủ các quyết định của Tòa, cả ASEAN cũng như không một thành viên nào trong ASEAN nhắc đến phán quyết của Tòa trong các tuyên bố chính thức về Biển Đông. Điều này đã làm suy yếu cơ cấu luật pháp quốc tế nói chung và UNCLOS nói riêng, làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong lĩnh vực biển, cho phép Trung Quốc tiếp tục theo đuổi việc củng cố và quân sự hóa quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Tác giả:
Carl Thayer; Nguyễn Văn Dân b.d.