Về vấn đề đào tạo luật sư, tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán tại Anh, Hoa Kỳ và một số gợi mở tham khảo cho Việt Nam (23/08/2021)
Anh và Hoa Kỳ là hai nền tư pháp có truyền thống lâu đời với những nét đặc sắc riêng trong mô hình đào tạo luật sư. Bài viết mô tả khái quát về vấn đề đào tạo luật sư và cách thức tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán ở hai nước này, trong đó nhấn mạnh sự liên thông giữa người hành nghề luật sư với người được bổ nhiệm giữ chức danh thẩm phán. Qua đó, bài viết đưa ra một số gợi mở có giá trị tham khảo cho công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả:
Nguyễn Văn Cương
Nghiên cứu so sánh về ý thức giới của nhân viên các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam và Nhật Bản (23/08/2021)
Nghiên cứu nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lao động nữ trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam và Nhật Bản. Nội dung bài viết tập trung phân tích sự tương đồng và khác biệt về ý thức giới của các nhân viên đang làm việc tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Việt Nam và Nhật Bản hiện nay, cũng như ý kiến về quan điểm tuyển dụng nhân viên nữ và đào tạo lãnh đạo nữ trong lĩnh vực này của các nhà quản lý.
Tác giả:
Trịnh Thị Ngọc Lan
Tâm lý học Mỹ (23/08/2021)
Trên cơ sở tìm hiểu về các nhân vật, tổ chức, trường phái, trào lưu, khuynh hướng và các chuyên ngành tâm lý học của Mỹ, bài viết giúp độc giả có cái nhìn sơ lược về ngành tâm lý học của nước này từ khi ra đời cho đến nay.
Tác giả:
Vũ Ngọc Hà, Nguyễn Văn Tường
Về việc triển khai chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình (23/08/2021)
Chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, nguồn lực đầu tư lớn cùng ý thức trách nhiệm của cộng đồng được giao đất, giao rừng đã góp phần bảo đảm an ninh môi trường, trật tự an toàn xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng miền núi. Kết quả triển khai chính sách giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình đã thu được những thành tựu đáng khích lệ, song vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu các nguồn lực để phát huy tiềm năng; do đó, cần có những giải pháp phù hợp trên cơ sở phát huy được tri thức truyền thống bản địa vào quản lý rừng bền vững nhằm mục tiêu đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.
Tác giả:
Trần Thị Tuyết, Phạm Mạnh Hà
Mấy nét khái quát về tác gia Trịnh Doanh (23/08/2021)
Dù là bậc quân vương luôn bận rộn chính sự và mải mê chinh chiến để khẳng định quyền lực của dòng họ, nhưng chúa Trịnh Doanh (1720-1767) vẫn yêu thích và sáng tác nhiều thơ ca. Phần lớn các bài thơ của ông (khoảng 270 bài) được tập hợp trong cuốn “Càn Nguyên ngự chế thi tập”. Bài viết trình bày tình hình sưu tầm, phiên dịch văn bản và nghiên cứu thơ ca Trịnh Doanh, cũng như nhận diện một số đặc điểm nội dung và hình thức nghệ thuật thơ Trịnh Doanh. Theo đó, bài viết khẳng định ông là một tác gia văn học tiêu biểu thời Lê - Trịnh (1545-1786).
Tác giả:
Nguyễn Mạnh Hoàng
Hiện tượng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trong văn học thời kỳ Đổi mới: 35 năm nhìn lại (23/08/2021)
Trong lịch sử văn học Việt Nam, truyện ngắn là thể loại có nhiều thành tựu và luôn vận động, biến đổi theo kịp xu thế của thời đại. Đặc biệt là sau năm 1986, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới văn học, truyện ngắn đã nhanh nhạy, khái quát được những vấn đề sâu sắc đặt ra trong cuộc sống. Nguyễn Huy Thiệp là một trong những cây bút truyện ngắn được coi như hiện tượng của văn học lúc bấy giờ, là nhà văn đầu tiên tạo ra bước ngoặt quan trọng trong tiến trình đổi mới với hàng loạt những truyện ngắn xuất sắc, khai thác được nhiều vấn đề thuộc về bản chất văn học, cùng những góc nhìn mới đầy táo bạo. Sự xuất hiện các tác phẩm của ông đã gây nhiều tranh cãi và có lẽ sẽ còn để lại nhiều dấu ấn trong dòng chảy văn đàn Việt Nam. 35 năm sau Đổi mới (1986-2021), cũng là năm Nguyễn Huy Thiệp tạ thế, bài viết nhìn lại những đóng góp của ông cho nền văn học nước nhà.
Tác giả:
Vũ Thị Mỹ Hạnh
Góp phần nhận diện chủ nghĩa dân túy: Cơ sở lý luận và thực tiễn (23/08/2021)
Thuật ngữ “Chủ nghĩa dân túy” (Populism) được sử dụng phổ biến để đề cập đến những phong trào dân túy ở Mỹ và Nga nửa sau thế kỷ XIX. Tuy nhiên, sự tranh luận về chủ nghĩa dân túy được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, gắn với sự trỗi dậy của nó vào những thập niên đầu thế kỷ XXI, và những tác động lớn của nó đến đời sống chính trị - xã hội ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới. Cho đến nay, việc nhận diện về chủ nghĩa dân túy (ở những khía cạnh: nguồn gốc, đặc trưng, bản chất và những biểu hiện, xu hướng) vẫn chưa có sự thống nhất. Bài viết góp phần: (i) nhận diện về nội hàm của chủ nghĩa dân túy; (ii) trình bày sự phát triển của chủ nghĩa dân túy trong lịch sử; (iii) nhận xét về đặc điểm và tác động của chủ nghĩa dân túy trên thế giới hiện nay.
Tác giả:
Trần Nam Tiến