Vấn đề giá trị quan châu Á: nghiên cứu so sánh châu Á và phương Tây (02/10/2008)
Dẫn những tác giả điển hình bàn về giá trị châu Á, bài viết nêu ra những điểm giống nhau mà hầu hết những người có quan tâm đến vấn đề giá trị châu Á, có thể ngẫu nhiên, nhưng đã cùng đi tới một lập luận chung.
Bài viết khẳng định, với các nền văn hoá, các giá trị làm người phần nhiều là giống nhau hoặc tương đương nhau. Rất hiếm có giá trị nào chỉ là “của riêng” của một cộng đồng; điều gì châu Á tôn vinh thì về đại thể ở nơi khác người ta cũng tôn vinh. Tuy vậy, vấn đề là ở chỗ, vẫn có những điểm khác nhau giữa các bảng giá trị, mà điểm khác biệt rất có ý nghĩa là khác nhau về vị trí của từng giá trị. Người châu Á coi “cần cù, yêu lao động” là giá trị hàng đầu của sự làm người. Nhưng người Mỹ lại coi “tự lực cánh sinh” mới là giá trị đáng quý nhất, cần cù cũng được coi trọng nhưng chỉ đứng thứ ba sau “tự lực cánh sinh và thành đạt cá nhân”. Nói rằng người châu Á cần cù, người Do Thái khôn ngoan, hay người Đức ưa chính xác… nếu đúng, cũng chỉ có nghĩa là các giá trị đó được tôn trọng hơn, được xếp vào vị trí ưu tiên hơn so với các giá trị khác. Tuyệt nhiên không có nghĩa là chỉ có người Đông Á mới cần cù, còn người nơi khác lười biếng, chỉ có người Do Thái là khôn ngoan còn lại là ngốc nghếch hay kém thông minh… Sự khác nhau đó là khác nhau về giá trị quan. Trong bài, tác giả đã đưa ra định nghĩa của mình về khái niệm này.
Tác giả:
Hồ Sĩ Quý
Những vấn đề xã hội học trong công cuộc Đổi mới (02/10/2008)
Cuốn sách “Những vấn đề xã hội học trong công cuộc Đổi mới” bao gồm những bài viết của các tác giả về nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ bắt đầu Đổi mới đến nay. Các bài viết trong cuốn sách vừa đi sâu phân tích thực trạng của sự biến đổi xã hội, vừa mang tính lý luận khái quát, nêu bật những thành tựu cũng như những thách thức đang đặt ra trong quá trình thực hiện Đổi mới. Cuốn sách là một tài liệu bổ ích cho những nhà nghiên cứu về các vấn đề kinh tế - xã hội, các nhà quản lý và hoạch định chính sách.
Tác giả:
Mai Quỳnh Nam ch.b.; Phạm Thái Việt l.th.
Cải cách hành chính trong các lĩnh vực kế hoạch - tài chính và quản lý khoa học của Viện Khoa học xã hội Việt Nam (02/10/2008)
Xuất phát từ đặc điểm, tình hình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006-2010 trong cả nước nói chung và ở Viện Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng, từ tình hình và nhiệm vụ chính trị cụ thể do Đảng và Nhà nước giao cho Viện, bài viết trình bày về các nội dung cải cách hành chính chủ yếu của Viện giai đoạn 2006-2010 gồm: tiếp tục cải cách nhiệm vụ xây dựng kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kế hoạch và dự toán ngân sách; tiếp tục cải tiến phương thức phân bổ kinh phí đối với các hoạt động khoa học và phục vụ khoa học; tiếp tục cải cách và đổi mới phương thức, quy trình tuyển chọn, xét duyệt và đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học; nghiên cứu, xây dựng đề án đầu tư tài chính theo sản phẩm đầu ra của các chương trình, đề tài, dự án và các nhiệm vụ khoa học… hướng tới thực hiện cơ chế về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư và sản phẩm khoa học, giảm bớt các thủ tục hành chính trong hoạt động khoa học…
Tác giả:
Phạm Văn Vang
Nhìn nhận về sự tác động của toàn cầu hoá tới đời sống tôn giáo ở nước ta hiện nay (02/10/2008)
Nghiên cứu về tác động của toàn cầu hoá đến đời sống xã hội, bài viết tập trung làm rõ tác động của quá trình toàn cầu hoá đối với đời sống xã hội nói chung và đời sống tôn giáo nói riêng, chỉ ra những xu thế chủ yếu của đời sống tôn giáo hiện nay. Đó là: các xu thế thế tục hoá tôn giáo; hiện đại hoá tôn giáo; đa dạng hoá tôn giáo; sự xuất hiện hiện tượng tôn giáo mới; đồng thời chỉ rõ cơ sở của sự hình thành các tôn giáo mới và những đặc trưng điển hình của hiện tượng tôn giáo mới. Từ đó khẳng định việc cần thiết phải nghiên cứu về mặt lý luận cũng như thực tiễn vấn đề tôn giáo hiện nay để góp phần hoàn thiện chính sách ứng xử và quản lý tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tác giả:
Vũ Văn Hậu
Học hỏi phương Tây để công nghiệp hoá - chính sách khoa học và công nghệ của Nhật Bản trong giai đoạn đầu (02/10/2008)
Hầu hết người Nhật đều cho rằng, quá trình công nghiệp hoá nước Nhật đã được bắt đầu từ thời Minh Trị. Dưới khẩu hiệu “xây dựng quốc gia giàu có và quân đội hùng mạnh”, tích cực nhập công nghệ tiên tiến từ Âu - Mỹ để xây dựng công nghiệp được coi là chính sách cơ bản của Nhật Bản thời kỳ này. Chính sách khoa học và công nghệ thời kỳ đầu đã không chỉ tạo ra cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, thực thi kết quả công nghiệp hoá đất nước, tạo ra một nước Nhật giàu có, mà còn góp phần xây dựng thế giới phồn vinh.
Tác giả:
Trung Đức
Tự do hoá trao đổi có tác động lên sự tăng trưởng không? Những kinh nghiệm của Ấn Độ và Hàn Quốc (02/10/2008)
Từ khoảng hai mươi năm trở lại đây, ở các nước đang phát triển, người ta thường thực thi chính sách tự do hoá trao đổi, vì nó được xem như một điều kiện tiên quyết của tăng trưởng. Bài viết xem xét mối tương quan giữa tăng trưởng và tự do hoá trao đổi thông qua khảo sát tình hình cụ thể của Ấn Độ và Hàn Quốc. Tác giả sử dụng ba chỉ báo về tự do hoá để xem xét mối tương quan trên, và đã không tìm thấy một sự liên quan đáng kể nào giữa tỷ số tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế hoặc GDP thực tế tính theo đầu người và sự mở cửa ngoại thương.
Tác giả:
Prabirjit Sarkar.; Tiến Đạt l.th.
Hiện tượng Chavez: chủ nghĩa quyền uy mới hay là nền dân chủ đã đổi mới? (02/10/2008)
Bài viết giới thiệu nội dung cuốn sách “Hugo Chavez và cuộc cách mạng Boliva” do E. N. Pasencev chủ biên, xuất bản năm 2004 ở Nga. Cuốn sách tập hợp những bài viết do các nhà nghiên cứu hàng đầu của Nga về châu Mỹ Latinh cùng với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài tìm hiểu một số vấn đề như: 1) những cách thức phát triển xã hội đối trọng nhau; 2) chủ nghĩa quyền uy độc đoán mới và số mệnh của nền dân chủ nói chung; 3) cách mạng Boliva, những cuộc cải cách thể chế và kinh tế - xã hội đi cùng với nó; 4) sự xung đối giữa chính quyền và phe đối lập, vai trò của quân đội và các phương tiện thông tin đại chúng trong sự xung đối chính trị đó; 5) vấn đề dầu mỏ và chính trị, quan hệ giữa Nga và Venezuela, v.v…
Tác giả:
Ivanovskii Z. V.; Xuân Mai d.
Về một tác phẩm phê bình - tiểu luận văn học (02/10/2008)
Bài viết giới thiệu nội dung cuốn sách “Văn chương - những cuộc truy tìm…” của tác giả Đỗ Ngọc Yên, nhà xuất bản Quân đội nhân dân, năm 2006. Với hơn 500 trang trực diện phê bình và tiểu luận, cuốn sách mang đến cho bạn đọc cái nhìn khá cuốn hút từ nhiều góc cạnh khác nhau của lý luận - phê bình văn học Việt Nam, xứng đáng là một tập phê bình - tiểu luận bổ ích đối với đời sống văn học hiện nay.
Tác giả:
Đỗ Ngọc Yên; Huyền Vân g.th.