Vấn đề “hành chính hóa” giáo dục đại học ở Trung Quốc (31/10/2013)
Giáo dục và đào tạo ở Trung Quốc vài thập niên gần đây, trong khi được coi là có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, xóa bỏ được tình trạng giáo điều về học thuật, rút ngắn được khoảng cách với nền giáo dục và khoa học của thế giới…, thì đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều phê phán, chỉ trích cả từ bên trong và bên ngoài, cả từ phía những cơ quan có trách nhiệm và cả từ phía dư luận không chính thức. Rất nhiều căn bệnh đã được chỉ ra, và vấn đề của những căn bệnh đó được cho là “nạn hành chính hóa đại học” - Nền giáo dục vận hành theo cơ chế hành chính, bị chi phối quá nặng bởi quản lý hành chính. Giá trị học thuật bị thay thế bởi giá trị hành chính. Tình trạng “bản vị quan” - quan chức nhiều, giá trị “làm quan” được tôn sùng quá mức, quan chức quyết định mọi hoạt động giáo dục, đào tạo… phổ biến trong hệ thống giáo dục. Nội dung của bài tổng thuật tập trung những phân tích xoay quanh vấn đề “hành chính hóa” giáo dục đại học ở Trung Quốc.
Tác giả:
Hồ Sĩ Quý t.th.
Xã hội học về tri thức trong “Hoàn cảnh hậu hiện đại” của J. F. Lyotard (31/10/2013)
Jean Francois Lyotard (1924-1998) là nhà triết học, xã hội học và lý luận văn học người Pháp. Bài viết giới thiệu và phân tích nội dung cuốn “Hoàn cảnh hậu hiện đại” (Nxb. Tri thức, 2007) của ông (La Condition Postmoderne, 1979) với ba phần nội dung: 1- Đối tượng, giả thuyết và phương pháp nghiên cứu, 2- Chức năng của xã hội tri thức, 3- Sự biến đổi vị thế của tri thức khoa học. Cuốn sách có đóng góp to lớn cho sự phát triển chuyên ngành xã hội học về tri thức không chỉ trong hoàn cảnh hậu hiện đại mà cả trong các hoàn cảnh khác của xã hội loài người.
Tác giả:
Lê Ngọc Hùng
Hiệu thế xã hội và xã hội cao áp: trường hợp Việt Nam (31/10/2013)
Điểm xuất phát của vấn đề hiệu thế xã hội ở Việt Nam ngày nay bắt nguồn từ tình trạng bất bình đẳng trong việc phân phối quyền lực xã hội. Một tầng lớp thiểu số nắm giữ tập trung, thâu tóm quá nhiều quyền lực không san sẻ, nhưng lại không thực sự đại diện cho tầng lớp ưu tú xã hội cả về khả năng lẫn tư cách. Trong khi đó, đông đảo quần chúng rất ít có điều kiện và cơ hội tham gia vào việc quản lý xã hội một cách thực chất, không được thụ hưởng hoặc bị tước đoạt nhiều quyền lực dân sự chính đáng. Khoảng cách quyền lực là đầu mối dẫn đến độ chênh lệch không thể chấp nhận được giữa các giai tầng xã hội hiện nay về mức thu nhập kinh tế, tài sản, lối sống và sự thụ hưởng văn hóa. Đó là điều khó chấp nhận đối với những mục tiêu, khẩu hiệu mà chúng ta đã đề ra về việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, và văn minh. Trước một xã hội cao thế - cao áp, nếu chúng ta không kịp thời mở những van xả, thực hiện dân chủ đích thực, hướng tới việc giảm thiểu vững chắc hiệu thế xã hội, tiến hành một sự phân phối lại nguồn lực xã hội, tạo điều kiện xây dựng một xã hội hạ thế - hạ áp giàu tính nhân văn, thì các mục tiêu dân chủ - công bằng - văn minh, xã hội không còn bất công, bóc lột và áp bức khó có thể đạt được.
Tác giả:
Nguyễn Thừa Hỷ
Về quản lý nợ công ở Việt Nam giai đoạn hiện nay và một số giải pháp (31/10/2013)
Chính sách quản lý nợ công trở thành bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách tài khóa của một quốc gia. Các cuộc khủng hoảng về nợ công ở một số nước châu Âu là tiếng chuông cảnh báo cho những quốc gia đang có gánh nặng về nợ công. Nợ công của Việt Nam đang tăng lên đáng kể, chủ yếu là nợ nước ngoài, nếu không được quản lý hiệu quả thì nguy cơ khủng hoảng nợ công là rất cao. Dự kiến nợ công của Việt Nam tính đến năm 2015 sẽ tương đương 60-65% GDP. Mức nợ này đang vượt ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế. Bài viết tổng hợp và đề xuất một số giải pháp để tăng cường quản lý nợ công trong giai đoạn hiện nay.
Tác giả:
Phan Thế Công, Chu Thị Hảo
Về vấn đề giáo dục trong gia đình ở Nhật Bản (31/10/2013)
Đề cập đến hai trường phái truyền thống và hiện đại, phân tích thực trạng giáo dục trong gia đình ở Nhật Bản và các yếu tố tác động, nhóm tác giả bài viết chỉ ra những nỗ lực của gia đình, địa phương và chính phủ Nhật Bản trong việc hỗ trợ giáo dục trong gia đình: cung cấp các cơ hội cùng học tập giữa cha mẹ và con cái; cung cấp tri thức cần thiết cho các bậc cha mẹ về giai đoạn phát triển tiếp theo của trẻ; xây dựng thói quen sinh hoạt từ người lớn đến trẻ em; tổ chức nhiều hoạt động tăng cường sự gắn kết giữa gia đình, trường học và địa phương…
Tác giả:
Lưu Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Thanh Tú
Vai trò của báo chí trong việc ngăn ngừa, hạn chế tin đồn (31/10/2013)
Tin đồn là một hiện tượng xã hội bình thường, không thể bị loại bỏ hoàn toàn khỏi đời sống xã hội. Nhưng báo chí và các phương tiện truyền thông khác phải có trách nhiệm phân tích, định hướng, kịp thời ngăn ngừa những tác hại xấu, những tác động tiêu cực của tin đồn đối với đời sống xã hội. Khi thông tin chính thức càng minh bạch, rõ ràng, đầy đủ và kịp thời; khi báo chí và các phương tiện truyền thông khác càng hấp dẫn và làm tốt chức năng của mình, thì những tin đồn thất thiệt, có dụng ý xấu càng khó có đất tồn tại. Chỉ khi công chúng tin vào báo chí, tìm đọc thông tin trên báo chí để tự định hướng và miễn dịch với thông tin ngoài luồng, không nguồn gốc, thì khi ấy, tin đồn dù có tai ác đến đâu cũng không thể thâm nhập và gây hại cho đời sống cộng đồng.
Tác giả:
Đỗ Chí Nghĩa
Suy ngẫm lại về sự suy thoái ở châu Âu (31/10/2013)
Hồi kết của câu chuyện dài về châu Âu vẫn còn đang bỏ ngỏ. Nó không phải là một sự lựa chọn đơn giản giữa hội nhập sâu hơn và tan rã. Điều mấu chốt là liệu châu Âu có thể cứu vãn đồng euro mà không làm tan rã Liên minh châu Âu hay không. Chỉ đơn giản từ khi sinh ra, Liên minh châu Âu đã là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế - và là một liên minh hoàn hảo hơn nhiều so với điều mà những người tin vào sự suy thoái sẽ thừa nhận. Nếu các nước thành viên có thể quy tụ nguồn lực của mình, họ sẽ tìm thấy vị trí xứng đáng của họ bên cạnh Washington, Bắc Kinh trong việc định hình thế giới trong thế kỷ XXI. Cây bút phụ trách chuyên mục Charles Krauthammer đã có một nhận định nổi tiếng về nước Mỹ “Suy thoái là một sự lựa chọn”. Điều này cũng đúng với cả châu Âu.
Tác giả:
Mark Leonard, Hans Kundnani; Thủy Tiên d.