Cải cách thể chế ở Việt Nam: Thực trạng - những vấn đề đặt ra và xu hướng phát triển (P. 1) (25/09/2017)

Cải cách thể chế chính là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những thành tựu to lớn mà đất nước đã đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, cần thừa nhận một thực tế là thái độ ít hài lòng, không yên tâm, lo lắng… vẫn là tâm thế khá phổ biến. Bài viết chỉ ra bảy vấn đề quy định thực trạng đất nước hiện nay và đồng thời cũng quy định chiều hướng và tốc độ của sự phát triển. Đó là: 1- nợ công; 2- sự lệ thuộc của nền kinh tế; 3- sự chuyển đổi mô hình phát triển; 4- tham nhũng; 5- môi trường, tài nguyên; 6- các vấn đề xã hội; 7- vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, bài viết cũng chỉ ra xu hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý và các cộng tác viên

Về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh trong thời kỳ hội nhập quốc tế ở Việt Nam (25/09/2017)

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh không chỉ thể hiện tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các nghị quyết Đại hội mà còn trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Bài viết trình bày tính tất yếu, khách quan phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh; sự vận dụng và phát triển tư duy lý luận của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Tác giả: Hồ Sỹ Hoàng

Thể chế phát triển vùng của Canada và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (25/09/2017)

Vùng là nơi tập trung các hoạt động chuyên môn hóa dựa trên các lợi thế. Phát triển vùng là một trong những chiến lược quan trọng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Để thực hiện các mục tiêu của chính sách phát triển vùng, Canada đã thiết lập 6 cơ quan phát triển vùng, đóng vai trò trung gian quan trọng giữa Chính phủ liên bang với chính quyền tỉnh cũng như giữa các chính sách khác nhau trong nội vùng. Thể chế phát triển vùng của Canada có thể là bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trên các phương diện phân cấp quản lý, xây dựng tổ chức điều phối, đổi mới phương thức hoạch định chính sách, hình thành mạng lưới hợp tác, ưu tiên các vùng tụt hậu, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, và hướng tới phát triển bền vững.
Tác giả: Bùi Việt Cường, Lương Thùy Dương, Phan Thị Song Thương

Nhận diện chức năng giám sát xã hội và phản biện xã hội của báo chí Việt Nam (25/09/2017)

Giám sát xã hội và phản biện xã hội là hai chức năng quan trọng của báo chí. Nhận diện đúng nội hàm của hai chức năng này là cơ sở cho việc đưa ra các đánh giá khoa học và khách quan về vai trò giám sát xã hội và phản biện xã hội của báo chí Việt Nam hiện nay. Bài viết tập trung giới thiệu quan điểm của hai nhóm đối tượng liên quan là nhà báo và công chúng về các chức năng giám sát xã hội và phản biện xã hội của báo chí. Mục tiêu hướng đến là nhằm phát huy và nâng cao hơn nữa chất lượng của giám sát xã hội và phản biện xã hội của báo chí - truyền thông, vốn không chỉ là một thiết chế xã hội mà còn là một “lực lượng quyền lực” trong hệ thống kinh tế - chính trị quốc gia.
Tác giả: Nhạc Phan Linh

Một số giá trị trong tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt (trường hợp ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) (25/09/2017)

Trong quá trình phát triển lịch sử tộc người, người Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã tích lũy được vốn văn hóa khá phong phú, đặc biệt là các sinh hoạt tín ngưỡng. Tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt nơi đây chứa đựng nhiều giá trị có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng đời sống mới của tộc người ở địa phương. Nội dung bài viết góp phần làm sáng tỏ một số giá trị trong tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt, qua đó nêu lên một số vấn đề đặt ra đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt hiện nay.
Tác giả: Mai Thị Hồng Vĩnh

Xu hướng đi làm ăn xa và những tác động đến văn hóa - xã hội của người Chăm Hồi giáo ở tỉnh An Giang (25/09/2017)

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, xu hướng đi làm ăn xa ngày càng trở nên phổ biến ở hầu khắp các khu vực trên cả nước. Tùy thuộc vào mỗi khu vực, mỗi thành phần dân tộc, tôn giáo… xu hướng này cũng có sự khác biệt. Bài viết bước đầu phân tích về hiện tượng đi làm ăn xa như một hình thức di cư trong thời hiện đại ở người Chăm Hồi giáo miền Tây Nam bộ thuộc tỉnh An Giang; đồng thời làm rõ những tác động tới văn hóa - xã hội của người Chăm Hồi giáo từ hiện tượng di cư này.
Tác giả: Đoàn Việt

Về một số khuynh hướng của tiểu thuyết đương đại Việt Nam sau 30 năm đổi mới (25/09/2017)

Sau 30 năm Việt Nam thực hiện đổi mới (1986-2016), tiểu thuyết Việt Nam - thể loại “cái” của văn học, nơi biểu hiện, kết tinh thành tựu của một thời đại văn học - đã có nhiều cây bút mới, đã có rất nhiều tác phẩm được sáng tác, đặc biệt là sự ra đời của một số khuynh hướng tiểu thuyết mới trong giai đoạn văn học này. Bài viết tổng quan về những kết quả sáng tác, những khuynh hướng chính của tiểu thuyết 30 năm qua, để từ đó có được thông tin đa chiều về đời sống văn học hôm nay.
Tác giả: Vũ Thị Mỹ Hạnh