Tác động của cấu trúc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (30/09/2020)

Cấu trúc là một trong các nhân tố bên ngoài quan trọng nhất tác động tới các quốc gia và quan hệ giữa chúng. Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên cũng chịu tác động từ cấu trúc khu vực. Bài viết đề cập đến cơ sở lý luận về tác động của cấu trúc, đồng thời xem xét thực tế tác động của cấu trúc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tác giả: Hoàng Khắc Nam

Bàn về nhà nước kiến tạo trên thế giới và hàm ý với Việt Nam (30/09/2020)

Nhà nước kiến tạo phát triển là một mô hình đã được thể nghiệm thành công ở nhiều nước trên thế giới. Là một quốc gia đang chuyển đổi mô hình phát triển, Việt Nam đang nỗ lực kiếm tìm mô hình nhà nước phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp, bài viết làm rõ nguồn gốc, nội hàm khái niệm, các mô hình nhà nước kiến tạo phát triển trên thế giới, từ đó gợi mở một số hàm ý đối với thực tiễn Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Đức Chiện

Đặc điểm của đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay (30/09/2020)

Đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có những thay đổi và biến chuyển về nhiều mặt. Bài viết tập trung nhận diện và thông tin về một số đặc điểm chung thể hiện sự thay đổi đó như: tồn tại nhiều hình thức tôn giáo, hoạt động của các tôn giáo ngày càng phát triển ổn định và tuân thủ pháp luật; còn ẩn chứa yếu tố phức tạp, tiêu cực; một số tôn giáo phát triển nhanh ở vùng dân tộc thiểu số; hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện đa dạng.
Tác giả: Phạm Thu Trang

Vài nét về trào lưu văn học Linglei trong dòng văn học Trung Quốc (30/09/2020)

Trong nền văn học Trung Quốc có một số tác phẩm xa rời văn học chính thống, được gọi là tác phẩm văn học “Linglei”. Nhưng trào lưu văn học Linglei chỉ thực sự nở rộ và được coi là một hiện tượng văn học khi xuất hiện các tiểu thuyết của các nhà văn sinh vào thập niên 70 của thế kỷ XX như Vệ Tuệ, Miên Miên, Cửu Đan, Xuân Thụ... Văn học Linglei có một số tác phẩm gây tranh cãi trong giới nghiên cứu văn học trong và ngoài Trung Quốc. Bài viết sơ lược quá trình hình thành và phát triển của trào lưu văn học Linglei trong dòng văn học Trung Quốc đương đại, và tìm về một vài dấu vết văn học Linglei trong văn học cổ đại, hiện đại, cũng như tìm hiểu về sáng tác của một số tiểu thuyết gia Linglei tiêu biểu trong văn học đương đại Trung Quốc.
Tác giả: Nguyễn Thị Hiền

Cơ chế hình thành “vòng xoáy của sự im lặng” - Từ lý thuyết đến thực tiễn xã hội vùng dân tộc thiểu số Việt Nam (30/09/2020)

Trên cơ sở lý thuyết “vòng xoáy của sự im lặng” của Noelle-Neumann, bài viết nhận diện cơ chế hình thành “vòng xoáy của sự im lặng” trong việc đưa ra ý kiến ở người dân vùng dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay. Sự im lặng, e ngại khi phát ngôn, nêu ý kiến cá nhân của người dân có nhiều lý do, như sợ mâu thuẫn với hàng xóm, sợ bị đối xử thiếu công bằng, do thiếu trách nhiệm giải trình của cán bộ địa phương… Bài viết cũng gợi mở một số kiến nghị để cởi bỏ “vòng xoáy của sự im lặng”, góp phần giảm thiểu nguy cơ hình thành các điểm nóng chính trị, xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số Việt Nam trong thời gian tới.
Tác giả: Phan Thuận, Từ Thúy Quỳnh

Đặc điểm của văn tế Hán Nôm Bình Định (30/09/2020)

Từ thực tế điền dã, sưu tầm văn tế Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhóm tác giả bước đầu nghiên cứu tổng quan về một thể loại khá đặc biệt trong văn học Hán Nôm Bình Định. Thông qua nội dung đã tìm hiểu được, bài viết hướng đến việc khẳng định những đặc điểm nổi bật của văn tế Hán Nôm Bình Định. Với tư cách là một thể loại văn học gắn liền với chức năng nghi lễ, văn tế Hán Nôm Bình Định đã mang lại những giá trị văn hóa mới, góp phần vào tiến trình phát triển của văn học Bình Định.
Tác giả: Võ Minh Hải, Nguyễn Thị Bé

Chính sách và thực tiễn triển khai pháp luật hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt Nam - Lào (30/09/2020)

Bài viết tập trung phân tích một số vấn đề về chính sách và thực tiễn đặt ra trong triển khai pháp luật hôn nhân và gia đình đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt Nam - Lào, trong đó nêu bật một số khía cạnh như thực trạng hôn nhân xuyên biên giới, kết hôn không giá thú, và những khó khăn trong quá trình triển khai thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Qua đó, bài viết đưa ra một số khuyến nghị góp phần xây dựng chính sách hôn nhân gia đình ở vùng biên giới ngày càng hoàn thiện hơn.
Tác giả: Hoàng Phương Mai