Đại hội XIII của Đảng: về mục tiêu phát triển, hạnh phúc của nhân dân và những bài học kinh nghiệm đúc rút từ sự nghiệp đổi mới (25/09/2021)

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), trên cơ sở kế thừa những bài học kinh nghiệm đã được đúc kết trong từng giai đoạn của quá trình đổi mới đất nước từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết và xác định 5 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo, quản lý của Đảng và từ sự phát triển sôi động của đất nước trong hơn 30 năm qua. Đây là những bài học đã được đề cập từ các đại hội trước, nhưng tại Đại hội XIII đã được nghiên cứu kỹ, cân nhắc, bổ sung, làm sâu sắc thêm và tiếp tục khẳng định. Đại hội XIII đã thông qua mục tiêu tổng quát và các mục tiêu phát triển cụ thể cho nhiệm kỳ XIII và cho từng giai đoạn xa hơn trong quá trình phát triển đất nước gắn với các mốc lịch sử quan trọng, vừa có ý nghĩa thực tế, vừa có ý nghĩa biểu tượng, kích thích sự sáng tạo của mọi chủ thể kinh tế - xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển của toàn dân tộc, nhằm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong một tương lai không xa.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh của dịch Covid-19: trường hợp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (25/09/2021)

Thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế đã giúp nhiều hàng hóa chủ lực của Việt Nam có mặt trên các thị trường lớn, xác lập được vị thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bài viết phân tích vai trò của một số ngành chủ lực trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay như công nghiệp điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông - thủy sản. Trên cơ sở chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh của dịch Covid-19, bài viết đưa ra một số khuyến nghị để đảm bảo duy trì vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tác giả: Vũ Hùng Cường

Quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ và quốc tế học dưới cái nhìn hệ thống (25/09/2021)

Bài viết giới thiệu khái quát các hướng nghiên cứu chính về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa - hạt nhân của việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập ngoại ngữ, ngôn ngữ học và quốc tế học. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một khung lý thuyết về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa, cùng việc sắp xếp những kết quả nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu đi trước đã thu được vào khung lý thuyết này.
Tác giả: Trần Ngọc Thêm

Chuyển đổi số và nghiên cứu bước đầu về nhận thức của người dân về chuyển đổi số trên mạng xã hội (25/09/2021)

“Chuyển đổi số” là thuật ngữ khá mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ Việt Nam là nhằm thích ứng với tình hình mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Mặc dù mới được định nghĩa, nhưng trên thực tế chuyển đổi số và bối cảnh chuyển đổi số đã và đang thay đổi mạnh mẽ cách thức con người sống, làm việc và tương tác với nhau. Bài viết bước đầu làm rõ thuật ngữ “chuyển đổi số”, Chương trình Chuyển đổi số của Việt Nam; tổng hợp, phân tích những thông tin thu thập được về nhận thức của người dân hiện nay về chuyển đổi số thông qua phương pháp tổng hợp dư luận trên mạng xã hội; trên cơ sở đó đề xuất một số khuyến nghị ban đầu nhằm tăng cường sự tham gia của người dân đối với chuyển đổi số.
Tác giả: Phạm Quang Linh, Lê Quang Ngọc

Nuôi dưỡng “năng lực sống” thông qua giáo dục nghệ thuật ở Nhật Bản (25/09/2021)

Sau quá trình tăng trưởng cao độ, xã hội Nhật Bản hiện đại đang đối mặt với nhiều vấn đề như già hóa dân số nhanh chóng, phát triển đô thị, kinh tế sáng tạo và tăng trưởng bền vững. Việc nuôi dưỡng “năng lực sống” thông qua giáo dục nghệ thuật được đánh giá là một nỗ lực hiệu quả nhằm giải quyết những vấn đề đó. Bước đầu tổng hợp và phân tích nghiên cứu của các học giả Nhật Bản, bài viết khái quát quá trình chuyển biến quan trọng trong hoạch định chính sách và nghiên cứu lý luận về nuôi dưỡng “năng lực sống”, cũng như những thành tựu trong giáo dục nghệ thuật nói chung, giáo dục âm nhạc nói riêng tại Nhật Bản trong khoảng một thập niên đầu thế kỷ XXI. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, bài viết chỉ ra những khoảng trống nghiên cứu (cả lý luận và thực tiễn) về vấn đề này đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Dương Đỗ Quyên

Các hiện tượng tôn giáo mới tại một số tỉnh, thành phố ở Việt Nam hiện nay (25/09/2021)

Trên thế giới, các hiện tượng tôn giáo mới (HTTGM) phát triển mạnh từ nửa sau thế kỷ XX. Ở Việt Nam hiện nay, nhiều HTTGM xuất hiện hết sức phức tạp, đa dạng, phong phú về cả về hình thức và nội dung. Trên cơ sở khảo cứu tài liệu, bài viết góp phần lý giải các HTTGM hiện đang diễn ra thế nào và công tác quản lý được thực hiện ra sao.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Thị Quế Hương