Bản sắc Hà Nội với dấu ấn văn hóa - văn minh Pháp (20/10/2023)

Những giá trị lịch sử của Hà Nội từ khi Lý Công Uẩn dời đô chủ yếu là tiềm ẩn sâu xa trong tâm thức mà mỗi người có thể hình dung được khi tiếp xúc với các di tích, di sản văn hóa. Nhưng nhiều di tích, di sản của Hà Nội, đến nay, đã gần như trở thành biểu tượng, giống như cái vỏ vật chất (physical shells) lưu giữ các tầng tâm thức của nhiều thế hệ. So sánh với các di sản văn hóa ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia xung quanh Việt Nam, thì Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Núi Nùng, Đền Cổ Loa, Ô Quan Chưởng… hầu hết đều là “vật mang” giá trị (value carrier) của lịch sử; bản thân giá trị vật thể có thể trực tiếp thấy được ở những di sản này, thực ra không nhiều. Trong khi đó, những dấu ấn văn hóa vật thể còn lại từ khi người Pháp đặt chân đến Hà Nội lại là những công trình khá bề thế và còn mang nhiều giá trị vật thể. Những địa danh du lịch có tiếng của Hà Nội hiện nay như Nhà Kèn, Nhà Hát Lớn, Nhà tù Hỏa Lò, Ga Hàng Cỏ, Cầu Long Biên, Nhà Thờ Lớn, Chợ Đồng Xuân… đều là những di sản có giá trị vật thể như vậy, bên cạnh các giá trị văn hóa phi vật thể. Có thể thấy, chúng ta sẽ không thể hiểu được bản sắc Hà Nội, nếu không nói đến những nét văn hóa - văn minh Pháp còn đọng lại ở đời sống đô thị vùng đất này.
Tác giả: Hồ Sĩ Quý

Thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ thực tiễn tỉnh Bình Định (20/10/2023)

Hiện nay, “chỉ số” được sử dụng rộng rãi và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng như trong công tác điều hành kinh tế, xã hội. “Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2019, bước đầu đã được triển khai đồng bộ tại các địa phương trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Bình Định. Tỉnh Bình Định đã thu thập, tính toán và báo cáo số liệu hàng năm gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định Bộ chỉ số. Bài viết đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện bộ chỉ số này tại tỉnh Bình Định, trên cơ sở đó kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh một số nội dung, đồng thời đề xuất một số cải tiến cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tác giả: Nguyễn Việt Cường, Lê Thanh Sang

Việc làm xanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức (20/10/2023)

Việc làm xanh là khái niệm mới nổi cùng với khái niệm kinh tế xanh khi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về thuật ngữ này. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, trong đó việc làm xanh là một trong ba nội dung của Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam. Dựa vào các phương pháp phân tích, tổng hợp các tài liệu nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, bài viết sử dụng định nghĩa và cách tiếp cận việc làm xanh của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) kết hợp với các dữ liệu thứ cấp để làm rõ thực trạng việc làm xanh trên góc độ tổng thể nền kinh tế và đề xuất một số giải pháp nâng cao tỷ lệ việc làm xanh trong thời gian tới.
Tác giả: Đoàn Thị Thu Hương

Nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ cấp cơ sở hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (20/10/2023)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của cán bộ có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Trong điều kiện Việt Nam đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở càng phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bài viết đi sâu làm rõ những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và vận dụng trong nâng cao bản lĩnh chính trị của cán bộ cấp cơ sở hiện nay.
Tác giả: Đinh Thị Thúy Hải

Ảnh hưởng từ Luận án Tiến sĩ Luật học năm 1936 đối với sự nghiệp tư pháp của Chánh án Phạm Văn Bạch (20/10/2023)

Phạm Văn Bạch từ thuộc địa đến nước Pháp du học đã thực hiện thành công bản luận án tiến sĩ với nội dung mà ngay ở chính quốc lúc đó “chưa có sinh viên nào nghĩ đến”. Nhưng điều quan trọng là luận án đó có thể vận dụng vào thực tiễn ở trong nước hay không? Tiến sĩ Luật học Phạm Văn Bạch đã mở đầu cho một quá trình thực nghiệm ấy, để kiểm nghiệm và đem ảnh hưởng của tư tưởng và kết quả luận án vào cống hiến thực sự cho nền tư pháp của Việt Nam từ đó trở đi.
Tác giả: Bùi Thị Hà

Giải pháp thu hút khách hàng của doanh nghiệp bất động sản: Trường hợp Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam (20/10/2023)

Đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh, khách hàng chính là những người quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp, do đó thu hút khách hàng luôn là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. Bài viết phân tích thực trạng thu hút khách hàng của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay thông qua nghiên cứu trường hợp Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam, từ đó đưa ra những định hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút khách hàng của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Tác giả: Nguyễn Văn Đức

Việc làm ở các địa phương ven biển miền Trung: Thực trạng và giải pháp (20/10/2023)

Giải quyết việc làm và duy trì chiến lược sinh kế của hộ gia đình là biện pháp nhằm ổn định đời sống của người dân trước biến động của thiên tai, chuyển đổi kinh tế - xã hội ở các địa phương ven biển miền Trung. Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra xã hội học đối với người dân, cán bộ quản lý ở các xã, phường và phân tích các báo cáo của các cơ quan ban ngành, ủy ban nhân dân xã, phường ven biển ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam và Phú Yên đại diện cho khu vực miền Trung để đánh giá thực trạng việc làm ở miền Trung. Kết quả phân tích cho thấy, tình trạng thiếu ổn định việc làm và lao động giản đơn chưa qua đào tạo là những thách thức trong chuyển đổi nghề nghiệp trước biến động của thị trường lao động ở đây. Từ đó, các tác giả đề xuất các giải pháp nhằm gia tăng tính hiệu quả trong giải quyết việc làm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và kết nối thị trường lao động.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Xuyên, Lương Tình, Hoàng Thị Thu Hương, Vũ Thị Ngọc