Khoa học xã hội và nhân văn với giáo dục và lịch sử (30/09/2008)
Gần đây, dư luận thế giới quan tâm nhiều đến phát biểu của Tổng thống Nga V. Putin ngày 21/06/2007 tại cuộc gặp mặt các đại biểu là những nhà giáo, nhà nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn Nga ở Novo-Ogarevo, Moskva, sau khi Hội nghị toàn Nga cán bộ giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn kết thúc. Tại đây, vai trò của nước Nga và Liên bang Xô viết trong Chiến tranh thế giới II đã được đề cập. Tổng thống Putin khẳng định: “Trong bất kỳ trường hợp nào thì chúng ta cũng không sử dụng vũ khí hạt nhân đối với thường dân. Chúng ta không rải chất độc hoá học xuống hàng ngàn cây số vuông và không ném xuống một đất nước nhỏ một số lượng bom nhiều gấp bảy lần số bom đã dùng trong suốt thời gian cuộc Chiến tranh thế giới thứ II, như đã xảy ra ở Việt Nam chẳng hạn”.
Tác giả:
V. Putin; Ngô Thế Phúc d., Hồ Sĩ Quý h.đ.
ASEAN 40 năm: những tình huống phát triển mới của khu vực và triển vọng cho Việt Nam (30/09/2008)
Mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ, “Phục hưng” là khái niệm mới diễn đạt trạng thái phát triển của Đông Á, một khu vực mà ASEAN đang đóng vai trò là trục liên kết. Khi gắn các quá trình đang diễn ra ở Đông Á với một khái niệm rất lớn của lịch sử nhân loại - thời đại Phục hưng - các tác giả của công trình nghiên cứu mà Ngân hàng thế giới mới xuất bản thực sự đã dành sự đánh giá rất cao triển vọng và khả năng đóng góp của Đông Á vào tương lai của thế giới. Từ góc nhìn ASEAN, sự đánh giá cao đó buộc chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi: Khái niệm Phục hưng, với tất cả tầm vóc lịch sử to lớn của nó, gắn với ASEAN như thế nào, đúng với ASEAN thế nào khi tổ chức liên kết này tròn tuổi 40?
Tác giả:
Trần Đình Thiên
Giải pháp cơ bản để thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước ở đô thị (30/09/2008)
Trong những năm gần đây, đô thị ở Việt Nam đã phát triển nhanh cả về chất lượng và quy mô, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý nhà nước về đô thị trong thời gian qua cũng đã dần được đổi mới và nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng hoạt động. Cùng với thực tế đó, những nghiên cứu lý luận về lĩnh vực quản lý đô thị cũng được quan tâm hơn. Cuốn sách của PGS., TS. Phạm Kim Giao, “Giải pháp cơ bản để thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước ở đô thị”, cung cấp cho bạn đọc những thông tin tham khảo cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn và khoa học trong lĩnh vực quản lý đô thị hiện nay.
Nội dung cuốn sách góp phần làm rõ những khái niệm cơ bản về đô thị và quản lý nhà nước về đô thị, nêu thực trạng trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đô thị, đồng thời đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm góp phần vào việc thiết lập trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước đối với các đô thị ở Việt Nam hiện nay.
Tác giả:
Phạm Kim Giao; Hải Bình l.th.
Thực vật biến đổi gien ở các nước đang phát triển: giữa lời nói và thực tế (30/09/2008)
Từ giữa những năm 1990 vấn đề thực vật biến đổi gien đã khoét sâu vào sự cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và châu Âu. Châu Phi - lục địa lắm vấn đề về phát triển và nạn đói hoành hành triền miên - trở thành trận địa diễn ra sự đối đầu ấy. Những người ủng hộ các tổ chức biến đổi gien dựa trên những thành tựu khoa học đã có thể phát triển công nghệ sinh học thực vật, phái đối lập thì bác bỏ tham vọng dùng cây biến đổi gien để giải quyết nạn đói và vấn đề phát triển ở các nước đang phát triển. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu này, việc dựng nên - theo gợi ý của Mỹ - những mạng lưới trạm trung chuyển dựa trên các viện nghiên cứu quốc gia của các nước này hoạt động và biện hộ cho “một cuộc cách mạng xanh - gien” dường như không thật sự giúp cho các nước đang phát triển nắm được công nghệ sinh học mới này. Việc làm nói trên đã làm nảy sinh những căng thẳng, những lo lắng, những phản kháng trong tầng lớp tiểu nông ở các nước này. Đó là những nội dung chính của bài viết.
Tác giả:
Thierry Raffin; Đỗ Sáng l.th.
Bàn luận về giai tầng xã hội, cơ cấu xã hội - giai tầng xã hội (30/09/2008)
Trên cơ sở phân tích cấu trúc tầng bậc của xã hội trong xã hội có đối kháng giai cấp theo quan điểm của K. Marx, tác giả nêu định nghĩa: giai tầng xã hội là tập hợp người giống nhau, tương đối ngang bằng nhau về địa vị kinh tế, địa vị chính trị, địa vị xã hội cũng như những khía cạnh khác như trình độ học vấn, loại nghề nghiệp, kiểu nhà ở, nơi cư trú, phong cách sinh hoạt, thị hiếu nghệ thuật… Còn cơ cấu xã hội - giai tầng xã hội là một cấu trúc “đan kết” vừa theo cấu trúc “dọc” tức là các giai tầng xã hội vừa theo cấu trúc “ngang” tức là bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp nghề nghiệp, tổ chức trong xã hội. Tác giả cũng trình bày cấu trúc cơ cấu xã hội - giai tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay, góp phần dự báo những nhân tố sai lệch, sự rối loạn chức năng có thể xảy ra do sự vận động và biến đổi của cơ cấu xã hội mang lại, góp phần xây dựng và điều chỉnh một cách hài hoà tổng thể cơ cấu xã hội, vận hành xã hội một cách năng động, hiệu quả.
Tác giả:
Nguyễn Đình Tấn