Tày Mường là một trong ba nhóm địa phương của người Thái cư trú ở miền Tây tỉnh Nghệ An, trong đó có huyện Con Cuông. Mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhưng cho đến nay, về cơ bản, người Tày Mường vẫn bảo lưu được những bản sắc riêng. Đó chính là những giá trị văn hóa của tộc người, được biểu hiện ở nhiều khía cạnh văn hóa khác nhau, đặc biệt là các nghi lễ gia đình.
Các nghi lễ gia đình của người Tày Mường biểu hiện qua sinh đẻ, nuôi dạy con, cưới xin, tang ma, thờ cúng tổ tiên… đã được định thành lệ, có ý nghĩa giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc cho mỗi thành viên cộng đồng, từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời. Ngoài ra, các nghi lễ gia đình còn giáo dục cho họ cách làm người, vai trò, trách nhiệm và bổn phận làm cha, làm mẹ, làm con, các quan hệ ứng xử trong gia đình cũng như xã hội… Những giá trị đó đã được đúc kết và nuôi dưỡng trong suốt quá trình hình thành, tồn tại, vận động, biến đổi của tộc người và có thể nói, nghi lễ gia đình giữ vị trí quan trọng trong đời sống của người Tày Mường. Hơn nữa, nghi lễ gia đình còn được xem là thành tố văn hóa biểu hiện rõ nét bản sắc văn hóa cũng như biểu đạt chân giá trị về chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ, tâm sinh lý, nhân sinh quan cũng như thế giới quan của tộc người.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Hải Đăng (Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) gồm 7 chương nội dung, tập trung trình bày có hệ thống về nghi lễ gia đình của người Tày Mường ở Nghệ An, nhằm làm sáng rõ đặc trưng văn hóa của người Tày Mường, đồng thời chỉ rõ những biến đổi trong các nghi lễ gia đình của người Tày Mường và lý giải nguyên nhân tác động đến những biến đổi đó: 1- Một số vấn đề lý thuyết nghiên cứu nghi lễ gia đình; 2- Người Tày Mường ở Nghệ An - bối cảnh và địa bàn nghiên cứu; 3- Nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con; 4- Nghi lễ cưới xin; 5- Nghi lễ tang ma; 6- Một số nghi lễ khác; 7- Những biến đổi trong nghi lễ gia đình.
Về ý nghĩa khoa học, nghiên cứu góp phần đem lại hiểu biết sâu sắc hơn về xã hội và văn hóa của người Thái Nghệ An nói chung; sự giao lưu, ảnh hưởng, cũng như đặc trưng văn hóa của nhóm Tày Mường nói riêng. Về ý nghĩa thực tiễn, nghiên cứu giúp chỉ ra những giá trị tích cực cũng như những yếu tố tiêu cực, không còn phù hợp với đời sống văn hóa mới; góp thêm cơ sở khoa học cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc hoạch định và triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, nếp sống văn hóa mới của Đảng và Nhà nước tại địa phương; tìm ra các giải pháp thích hợp trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Cuốn sách gồm 424 trang, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2013, hy vọng giúp người đọc tiếp cận văn hóa Tày Mường dưới góc độ nhân học tôn giáo, có cái nhìn đa chiều, toàn diện, vừa bao quát, vừa cụ thể về nghi lễ gia đình của người Tày Mường ở Nghệ An.
Xin trân trọng giới thiệu!
-Hương Như-