Trong nền kinh tế hiện đại, kinh tế tư nhân luôn đóng một vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy, việc phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương đúng đắn của Đảng ta kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò đóng góp quan trọng đối với việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế để đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và bẫy công nghệ thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước phát triển trên thế giới và khu vực. Xu thế phát triển của nền kinh tế hiện đại và yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi phải khẳng định rõ hơn vai trò động lực quan trọng, động lực cơ bản của khu vực kinh tế tư nhân đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Kinh tế tư nhân - Một động lực cơ bản cho phát triển” (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016) do PGS.TS. Vũ Hùng Cường chủ biên. Đây là kết quả nghiên cứu của Đề tài “Một số vấn đề cơ bản để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực cho sự phát triển giai đoạn 2011-2020” do tác giả là chủ nhiệm, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ giai đoạn 2012-2015. Công trình đã được Ban Kinh tế Trung ương sử dụng kết quả nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án Tổng kết 15 năm (2002-2017) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa IX “về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” trình Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa XII, làm cơ sở để ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nội dung cuốn sách gồm 3 chương:
Chương I: Cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân đối với phát triển. Chương này tập trung luận giải các lý luận cơ bản về khu vực kinh tế tư nhân với vai trò động lực cho phát triển, các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân đối với phát triển, hệ chỉ tiêu và tiêu chí đánh giá vai trò động lực cho phát triển, kinh nghiệm phát triển kinh tế tư nhân của một số quốc gia trên thế giới. Xây dựng được hệ chỉ tiêu và tiêu chí đánh giá vai trò động lực thúc đẩy phát triển là một trong những thành công, đóng góp quan trọng của công trình nghiên cứu dưới góc độ lý thuyết.
Chương II: Thực trạng vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Chương này tập trung phân tích, đánh giá thực trạng phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, đánh giá vai trò động lực của khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2001-2013 dựa trên hệ chỉ tiêu và tiêu chí đánh giá vai trò động lực đã đề ra ở chương I, đồng thời nhận diện các yếu tố cơ bản cản trở khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò động lực cho phát triển giai đoạn 2001-2013.
Nhóm nghiên cứu khẳng định, doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn về số lượng, tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động của nền kinh tế, tuy nhiên quy mô doanh nghiệp đang có xu hướng ngày càng thu nhỏ, thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn để dẫn dắt nền kinh tế phát triển, thiếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo liên kết, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp lớn trong tăng trưởng GDP, trong tổng vốn đầu tư phát triển, trong xuất khẩu và chiếm ưu thế lớn trong tạo việc làm cho xã hội. Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng và phát triển kinh tế; đồng thời là động lực thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Các yếu tố cơ bản cản trở sự phát triển cũng như làm giảm khả năng của khu vực kinh tế tư nhân thực hiện vai trò động lực cho phát triển của nền kinh tế được nhóm nghiên cứu phân tích dưới các góc độ: Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vai trò của kinh tế tư nhân qua các giai đoạn phát triển; các nhân tố môi trường kinh doanh từ góc nhìn của doanh nghiệp tư nhân; những vấn đề nội tại trong phát triển của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển của doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Chương III: Quan điểm, định hướng và giải pháp để khu vực kinh tế tư nhân là một động lực cơ bản cho phát triển ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Chương này tập trung phân tích bối cảnh mới trong nước và quốc tế tác động đến kinh tế Việt Nam; đưa ra 5 quan điểm, định hướng để khu vực kinh tế tư nhân là một động lực cơ bản cho phát triển ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn 2030: 1) Bảo đảm sự đồng thuận xã hội là điều kiện tiền đề để phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân; 2) Phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong quan hệ tương hỗ với khu vực kinh tế nhà nước, phát huy vai trò của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong quan hệ tương hỗ với khu vực kinh tế tư nhân và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 3) Nâng cao năng lực nội sinh trên cơ sở phát huy mặt mạnh, hạn chế và khắc phục mặt yếu của khu vực kinh tế tư nhân; 4) Phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân gắn với đổi mới quản lý nhà nước phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế thị trường; 5) Thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của khu vực kinh tế tư nhân.
Để hiện thực hóa các quan điểm, định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nhóm nghiên cứu khuyến nghị 8 nhóm giải pháp: 1) Thay đổi quan điểm, tư duy về vai trò của các khu vực kinh tế sở hữu; 2) Tiếp tục đổi mới hoàn thiện môi trường luật pháp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; 3) Tiếp tục ổn định môi trường vĩ mô; 4) Tiếp tục tạo môi trường chính trị - xã hội ổn định; 5) Nâng cao năng lực nội sinh của các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước; 6) Nâng cao vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 7) Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế sở hữu; 8) Giải pháp về thị trường.
Cùng với cuốn sách “Kinh tế tư nhân và vai trò động lực tăng trưởng” do TS. Vũ Hùng Cường chủ biên (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011), hy vọng cuốn sách này sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc, cho giới nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách trong quá trình tìm hiểu về vai trò động lực của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Trân trọng giới thiệu!
-VTT-