Phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh mới

07/07/2021

Năm xuất bản: 2021

Phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh mới

Vùng Tây Nam Bộ (TNB) là một trong những vùng kinh tế quan trọng của Việt Nam, với vai trò đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất nông nghiệp của vùng TNB đã đóng góp một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của quốc gia. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng TNB diễn ra theo hướng giảm tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp và dịch vụ. Những vấn đề phát triển cho thấy tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế của vùng TNB còn yếu.

 

Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) vùng TNB đã phát triển và có những đóng góp cho kết quả tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo của vùng TNB. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực KTTN vùng TNB vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò động lực của doanh nghiệp khu vực KTTN đối với sự phát triển của vùng, trong khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

 

Văn kiện Đại hội Đảng XII đã xác định KTTN là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự phát triển và phát huy vai trò động lực của khu vực KTTN đối với phát triển vùng TNB là hết sức cần thiết trong bối cảnh mới.

 

Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách “Phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân vùng Tây Nam Bộ trong bối cảnh mới” (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021, 375 trang) do PGS.TS. Vũ Hùng Cường chủ biên. Sách gồm 3 chương. Chương I trình bày khung cơ sở lý luận về phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN trong vùng kinh tế, lý thuyết doanh nghiệp dựa trên nguồn lực (Resource-based Theory of the Firm - RBF) và cơ sở thực tiễn bao gồm 4 bài học lớn đúc kết từ nghiên cứu kinh nghiệm của Anh, Ý, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và Hàn Quốc trong phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN. Nội dung chương I cũng xây dựng hệ tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá sự phát triển và vai trò của doanh nghiệp khu vực KTTN trong vùng kinh tế, bao gồm: (i) Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá mặt lượng của sự phát triển doanh nghiệp; (ii) Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá mặt chất của sự phát triển doanh nghiệp; (iii) Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá vai trò động lực kéo của doanh nghiệp khu vực KTTN đối với tăng trưởng và phát triển của vùng kinh tế; (iv) Các tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá vai trò động lực đẩy của doanh nghiệp khu vực KTTN đối với tăng trưởng và phát triển của vùng kinh tế.

 

Dựa trên hệ chỉ tiêu, tiêu chí đã đề ra ở chương I, Chương II phân tích, đánh giá thực trạng phát triển (về lượng và chất) doanh nghiệp khu vực KTTN (bao gồm cả doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước và doanh nghiệp FDI) vùng TNB giai đoạn 2001-2018; phân tích, đánh giá khả năng thực hiện vai trò (đặc biệt là vai trò động lực kéo và động lực đẩy) của doanh nghiệp khu vực KTTN đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng TNB, phân tích các nhân tố ảnh hưởng và rút ra 10 vấn đề, hạn chế của thực trạng phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước vùng TNB và 5 vấn đề đối với doanh nghiệp FDI dưới góc độ phát triển bền vững vùng TNB giai đoạn 2001-2018; làm rõ nguyên nhân của các vấn đề phát triển của doanh nghiệp khu vực KTTN trong mối quan hệ với phát triển bền vững vùng TNB nhìn từ góc độ doanh nghiệp và góc độ cơ chế, chính sách của nhà nước.

 

Chương III phân tích bối cảnh mới của quốc tế, khu vực, trong nước và vùng TNB, các yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN trong vùng, những cơ hội và thách thức. Nội dung chương III đưa ra quan điểm, định hướng nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN vùng TNB giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, phát huy được lợi thế đặc thù của vùng TNB, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững vùng TNB và bối cảnh mới, từ đó đề xuất 3 nhóm kiến nghị, giải pháp chủ yếu, bao gồm: (i) Nhóm các kiến nghị, giải pháp có tính đột phá cho phát triển (3 kiến nghị); (ii) Nhóm các kiến nghị, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực KTTN trong nước, thúc đẩy liên kết theo chuỗi cung ứng và mạng sản xuất (7 kiến nghị); (iii) Nhóm các kiến nghị, giải pháp nâng cao vai trò của nhà nước trong xử lý các vấn đề cấp quốc gia, cấp vùng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp khu vực KTTN và phát triển bền vững vùng TNB (3 kiến nghị).

 

Cuốn sách nằm trong chuỗi các công trình về KTTN của nhóm nghiên cứu, gồm: (1) Vũ Hùng Cường (chủ biên), Kinh tế tư nhân và vai trò động lực tăng trưởng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2011, 310 trang; (2) Vũ Hùng Cường (chủ biên), Kinh tế tư nhân - một động lực cơ bản cho phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2016, 351 trang.

 

 

 

-VTT-