Sách
Năm xuất bản: 2025
Đại dịch Covid-19 tạo nên bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, với sự hình thành những triết lý kinh tế mới, những xu thế phát triển và mô hình hợp tác kinh tế mới, những ngành công nghiệp mới, những lợi thế cạnh tranh mới. Tất cả tạo nên một áp lực thay đổi cục diện kinh tế thế giới, với các cách tiếp cận ứng phó khác nhau từ các cường quốc kinh tế lâu đời cho đến các cường quốc đang lên, các nền kinh tế mới nổi, các nền kinh tế đang phát triển. Một mô hình kinh tế thế giới còn khá mơ hồ về bức tranh nhưng đang dần định hình rõ các trụ cột tăng trưởng, quốc gia nào chiếm lĩnh sớm sẽ đem lại lợi thế trên cục diện kinh tế thế giới. Sự cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh mới khiến nhiều cường quốc lựa chọn quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ với việc áp dụng các hạn ngạch về xuất khẩu, kiểm soát công nghệ và nhiều lĩnh vực tài nguyên chiến lược nhằm kiềm chế sự bứt phá của quốc gia cạnh tranh, cùng với yêu cầu nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế sau bài học đắt giá của đại dịch Covid-19, xu thế phi toàn cầu hóa đang ngày càng trở nên rõ rệt…
Viện Thông tin Khoa học xã hội trân trọng giới thiệu đến bạn đọc Sách tham khảo “Những điều chỉnh của kinh tế thế giới thời kỳ hậu Covid-19” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2025) do PGS.TS. Vũ Hùng Cường và ThS. Nguyễn Thị Lê đồng chủ biên.
Cùng với bài tổng quan giới thiệu của Ban biên soạn, cuốn sách tập hợp 15 sản phẩm công bố quốc tế có giá trị tham khảo của các chuyên gia nước ngoài được biên dịch ra tiếng Việt: (1) Vi-rút Corona chủng mới và những hạn chế của kinh tế học. (2) Tại sao khủng hoảng vi-rút Corona chủng mới là một bước ngoặt lịch sử. (3) Kinh tế thế giới trước và sau đại dịch Covid-19. (4) Bùng nổ triển vọng năng suất sau đại dịch. (5) Mối nguy hiểm của các cường quốc ở đỉnh cao: Suy thoái kinh tế và những tác động đối với Trung Quốc trong thập kỷ tới. (6) Phép màu kinh tế của Trung Quốc chấm dứt. (7) Kỷ nguyên mới về nền kinh tế tự cung tự cấp. (8) Chính sách tự lực về kinh tế trong một thế giới không có người lãnh đạo. (9) Báo cáo đặc biệt về nền kinh tế Hoa Kỳ. (10) Lực lượng sản xuất mới: Chiến lược tăng trưởng do công nghệ dẫn dắt của Trung Quốc. (11) Một số vấn đề nóng trong nghiên cứu lực lượng sản xuất mới ở Trung Quốc hiện nay. (12) Ý tưởng mới về Ấn Độ. Liệu Ấn Độ có trở thành một Trung Quốc tiếp theo. (13) Chiến lược công nghiệp của Liên minh châu Âu hướng tới chương trình nghị sự hậu tăng trưởng. (14) Các loại hình chủ nghĩa tư bản và việc xem xét lại mô hình tăng trưởng kinh tế Đông Á sau đại dịch Covid-19. (15) Chiến lược tăng trưởng mới cho các quốc gia đang phát triển.
Trân trọng giới thiệu.
-VTT-