24/04/2024
1. Mở đầu
Quá trình cải cách, mở cửa của Trung Quốc cho thấy, ba trụ cột là kinh tế thị trường (KTTT) xã hội chủ nghĩa (XHCN), Nhà nước pháp quyền XHCN và dân chủ XHCN luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, ở những chiều cạnh nhất định là tiền đề và điều kiện cho nhau phát triển và cũng giúp nhau khắc phục những mặt hạn chế nếu được xử lý một cách hài hòa.
2. Khái quát chung về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc
2.1. Nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa
Vào những năm 1990, Trung Quốc chính thức định danh mô hình phát triển kinh tế của mình là nền KTTT XHCN. Phát triển kinh tế theo mô hình này, Trung Quốc đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng với tốc độ tăng GDP trong khoảng 4 thập niên liên tiếp ở mức 9-11%/năm. Từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, và từ năm 2011, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Có thể nói, nhờ cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia công nghiệp với nhiều thành phố lớn, hiện đại, có tính hội nhập và cạnh tranh quốc tế mạnh.
2.2. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Càng đi sâu vào cải cách, đổi mới, nhất là khi Trung Quốc chính thức tuyên bố áp dụng mô hình nền KTTT XHCN trong Hiến pháp (lần sửa đổi, bổ sung vào năm 1993), nhu cầu quản trị đất nước theo pháp luật càng trở nên cấp thiết. Năm 1999, Hiến pháp Trung Quốc được sửa đổi, bổ sung bằng việc chính thức ghi nhận nội dung tại Điều 5 chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Kể từ đó, “pháp quyền” với nghĩa “tất cả các cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang, các đảng phái chính trị, các tổ chức công, các doanh nghiệp và các thiết chế đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; mọi hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật đều phải được điều tra, xử lý; không tổ chức, cá nhân nào có đặc quyền đứng trên Hiến pháp hoặc pháp luật” đã trở thành nguyên tắc hiến định. Đại hội XX (năm 2022) của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc tiếp tục chủ trương “kiên trì quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, thúc đẩy xây dựng Trung Quốc pháp quyền".
2.3. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Chủ trương của ĐCS Trung Quốc về việc xây dựng nền dân chủ ở Trung Quốc là xây dựng nền dân chủ XHCN đặc sắc Trung Quốc. Đây không phải là nền dân chủ tư sản đã và đang tồn tại ở phương Tây. Nền dân chủ XHCN đặc sắc Trung Quốc có đặc trưng then chốt là do ĐCS Trung Quốc lãnh đạo. Do đó, các hoạt động và việc ra quyết định của các cơ quan dân cử đều phải bảo đảm sự lãnh đạo của ĐCS Trung Quốc.
3. Xử lý mối quan hệ giữa phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc
3.1. Trung Quốc đã không ít lần điều chỉnh một số quy định của Hiến pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngày càng thích ứng tốt hơn với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa
Năm 1982, Trung Quốc đã ban hành bản Hiến pháp mới, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện chủ trương “cải cách, mở cửa” mà ĐCS Trung Quốc đã quyết định từ năm 1978. Trong bản Hiến pháp này đã xuất hiện những quy định đầu tiên mở đường cho sự phát triển của KTTT và việc hội nhập của nền kinh tế Trung Quốc với nền KTTT toàn cầu bằng việc thừa nhận “vai trò bổ trợ của thị trường”, “cho phép các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức kinh tế nước ngoài và người nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc và tham gia các hình thức hợp tác khác nhau với doanh nghiệp Trung Quốc”. Từ năm 1982 tới năm 2023, Trung Quốc đã 05 lần sửa đổi Hiến pháp (vào các năm 1988, 1993, 1999, 2004 và 2018), trong đó 04 lần sửa đổi chủ yếu liên quan tới các quy định về vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Với những lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, vai trò của Nhà nước trong nền KTTT XHCN ở Trung Quốc đã được minh định theo hướng Nhà nước tôn trọng và bảo hộ khu vực kinh tế tư nhân, coi khu vực kinh tế tư nhân là thành tố chủ yếu của nền KTTT XHCN mà Nhà nước có trách nhiệm “khuyến khích, hỗ trợ và hướng dẫn… giám sát và kiểm tra”. Ngoài ra, Nhà nước cũng cam kết thiết lập hệ thống an sinh xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế trong từng giai đoạn.
3.2. Kiên định vai trò dẫn dắt và định hướng nền kinh tế và kiểm soát nền kinh tế bằng doanh nghiệp nhà nước
Hiện nay, Nhà nước Trung Quốc vẫn duy trì một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là các doanh nghiệp nắm giữ các vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân. Sau hơn một thập kỷ cải cách DNNN, các DNNN (nhất là doanh nghiệp do Trung ương quản lý) đã trở thành “trái tim” của nền kinh tế Trung Quốc và là động lực cơ bản thúc đẩy các chiến lược phát triển quốc gia. DNNN đóng vai trò thống lĩnh trong những ngành công nghiệp chiến lược, các lĩnh vực liên quan tới an ninh quốc gia hoặc đời sống dân sinh thiết yếu.
3.3. Phát huy vai trò của Nhà nước trong khắc phục một số thất bại của cơ chế thị trường: bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường
Sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc không chỉ mang lại những điều tốt đẹp mà kéo theo đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó có tình trạng chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đông người, bất công xã hội.
Để giải quyết các vấn đề xã hội, Chính phủ Trung Quốc đã có những nỗ lực cụ thể trong việc hoàn thiện tư duy tiếp cận các vấn đề xã hội cũng như hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan. Trong những năm 1990-1999, Trung Quốc ban hành 10 đạo luật có nội dung trực tiếp điều chỉnh về an sinh xã hội. Trong những năm đầu của thế kỷ XIX, Trung Quốc ban hành thêm các đạo luật quan trọng khác như Luật về Phòng, chống bệnh nghề nghiệp, Luật An toàn lao động, Luật Hợp đồng lao động… Ngay từ thập niên 1980, các đạo luật về bảo vệ môi trường đã được ban hành, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường năm 1979 và năm 2014, Luật Kiểm soát ô nhiễm không khí năm 1987, Luật Kiểm soát chất thải rắn năm 1995… Các đạo luật được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung theo chủ trương bảo vệ môi trường trong các giai đoạn khác nhau.
4. Kết luận
Thứ nhất, quá trình cải cách, mở cửa của Trung Quốc cho thấy, nền KTTT XHCN không miễn nhiễm với những “trục trặc, khuyết tật” của cơ chế thị trường. Càng thúc đẩy phát triển KTTT thì Đảng và Nhà nước Trung Quốc càng lưu ý thiết kế và thực thi các giải pháp xử lý các trục trặc của cơ chế thị trường.
Thứ hai, quá trình cải cách, mở cửa của Trung Quốc cùng với việc xây dựng nền KTTT XHCN đã đặt ra yêu cầu khách quan về việc thiết lập một hệ thống pháp luật (với Hiến pháp là đạo luật nền tảng, có hiệu lực pháp lý cao nhất) ngày càng hoàn thiện.
Thứ ba, quá trình cải cách, mở cửa, xử lý mối quan hệ giữa nền KTTT XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN đặc sắc Trung Quốc đưa tới nhận thức mới quan trọng, theo đó, ĐCS Trung Quốc phải bảo vệ và thúc đẩy công bằng xã hội và công lý, nỗ lực để bảo đảm rằng nhân dân cảm nhận được sự công bằng và công lý ngự trị trong mọi quy định pháp luật, mọi quyết định thực thi pháp luật và mọi vụ việc tư pháp.
(Toàn văn bài viết đã được đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội số 4/2024, trang 13-22, 30).