28/10/2023
Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các học giả quốc tế: GS. Nguyễn Nam - Đại học Fulbright Việt Nam; PGS.TS. Hứa Di Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Văn hóa Trung Quốc (Đài Bắc, Đài Loan); TS. Lý Quý Dân - Học viện Văn học, Đại học Thành Công (Đài Loan); và sự tham gia trực tiếp của NCS. Quản Hạo - Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).
Tham gia trực tiếp Hội thảo tại trụ sở Viện Thông tin KHXH có các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam: PGS.TS. Vũ Hùng Cường - Viện trưởng Viện Thông tin KHXH; PGS.TS. Lê Hải Đăng - Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH; GS.TS. Hồ Sĩ Quý - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH; TS. Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III; TS. Nguyễn Tô Lan - Viện Nghiên cứu Hán Nôm; PGS.TS. Nguyễn Thanh Tùng - Đại học Sư phạm Hà Nội, TS. Đinh Mỹ Linh - Viện Nghiên cứu Văn hóa; các nhà nghiên cứu đến từ Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm; các cán bộ chủ chốt của Viện Thông tin KHXH.
PGS.TS. Vũ Hùng Cường và PGS.TS. Lê Hải Đăng đồng chủ trì Hội thảo.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm giới thiệu khái quát Kho Trung Quốc cổ đang lưu trữ tại Thư viện KHXH do Viện Thông tin KHXH được giao quản lý nhằm từng bước quảng bá, phát huy giá trị kho tài liệu quý hiếm để có thể chia sẻ và lan tỏa tri thức, di sản mà thế hệ đi trước để lại.
Hội thảo đã nhận được 20 bài tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Đại học Văn hóa Trung Quốc, Đại học Thành Công (Đài Loan, Trung Quốc), Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Fulbright Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Viện Thông tin KHXH.
Hội thảo gồm hai phiên. Phiên 1: Kho tư liệu Trung Quốc cổ: Một số nghiên cứu ban đầu giá trị và tiềm năng nghiên cứu. Phiên 2: Giá trị khoa học và hoạt động thư viện nhằm bảo tồn, quảng bá Kho tư liệu Trung Quốc cổ: Kinh nghiệm từ quốc tế.
Các bài tham luận được lựa chọn trình bày tại Hội thảo gồm: (1) Kho sách Trung Quốc cổ tại Thư viện KHXH: khởi nguyên, ảnh hưởng, và sự hình thành Hán học hiện đại ở Việt Nam; (2) Bộ Đại tùng thư “Vũ Lâm chưởng cổ tùng luận”; (3) Bước đầu khảo sát sự lưu truyền của “Tứ thư đại toàn” ở Việt Nam; (4) “Thăng trầm cổ tịch”: Thiện bản Thủy nguyệt trai chỉ nguyệt của Di Thân vương phủ; (5) Cuốn sách “Giao Chỉ danh xưng khảo” và mối liên hệ mật thiết giữa học giả Trần Kinh Hòa và EFEO Việt Nam; (6) Sơ bộ tìm hiểu lai lịch bộ “Việt Kiệu thư” hiện lưu trữ tại Viện Thông tin KHXH; (7) “Cổ kim đồ thư tập thành”: một bộ “bách khoa toàn thư” của Trung Quốc trong Kho sách Trung Quốc cổ thuộc Viện Thông tin KHXH; (8) “Ngọc bích họ Hòa”: hiện trạng và phương hướng bảo tồn, khai thác, phát huy Kho sách Trung Quốc cổ tại Viện Thông tin KHXH.
Các báo cáo tham luận tại 2 phiên của Hội thảo cùng với các phát biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã cung cấp một bức tranh khá toàn diện ban đầu về quy mô và giá trị của Kho Trung Quốc cổ đang lưu trữ tại Thư viện KHXH; đặc biệt nhấn mạnh các giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa; đồng thời gợi mở định hướng nghiên cứu, khai thác, phát huy giá trị kho tư liệu; mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh quảng bá, khai thác và phát huy giá trị của kho tư liệu.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện Thông tin KHXH nhận định, vượt qua những khó khăn trong tiếp cận tài liệu, nhiều học giả lựa chọn cách nghiên cứu khái quát, hoặc đã đi sâu nghiên cứu về giá trị của một cuốn sách, một bộ sách, đồng thời so sánh, đối chiếu với phiên bản lưu trữ tại các nơi khác, qua đó góp phần làm rõ thêm lai lịch, ảnh hưởng và sự đặc sắc về nội dung của một phần nhỏ các tư liệu được tiếp cận trong Kho Trung Quốc cổ. Việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị Kho Trung Quốc cổ cũng được nhiều học giả, chuyên gia quan tâm trong các tham luận. Chính sự đa dạng trong cách tiếp cận, sự đặc sắc của các chủ đề và nội dung lựa chọn trong các bài tham luận đã tạo nên bức tranh đa màu sắc về giá trị của Kho Trung Quốc cổ đang được lưu trữ tại Thư viện KHXH.
PGS.TS. Vũ Hùng Cường trân trọng ghi nhận sự say mê khoa học, tâm huyết nghiên cứu, các ý kiến góp ý có giá trị của các học giả, nhà nghiên cứu hướng tới mục tiêu quảng bá rộng rãi và phát huy giá trị của Kho Trung Quốc cổ, để kho tư liệu được bảo quản, gìn giữ, lưu truyền cho nhiều thế hệ sau.
Viện Thông tin KHXH xác định đây là hội thảo có tính khởi động cho các hoạt động hợp tác khoa học và nghiệp vụ thư viện trong tương lai với các đối tác tiềm năng phù hợp. Việc tiếp tục phát huy giá trị Kho Trung Quốc cổ đòi hỏi Viện phải quy tụ được nhiều chuyên gia của Việt Nam và quốc tế có đủ khả năng đọc và hiểu ngôn ngữ của kho tư liệu, đủ khả năng đi sâu nghiên cứu, đối chiếu, so sánh, hỗ trợ Viện hoàn thiện, quảng bá cơ sở dữ liệu thư mục, đồng thời phải xây dựng được các dự án đầu tư tăng cường năng lực, tìm kiếm các nguồn kinh phí cho hoạt động số hóa, bảo quản.
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đi thăm quan Kho Trung Quốc cổ và Thư viện KHXH.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp.
-PV-