02/10/2024
Hội thảo nhằm chia sẻ, báo cáo kết quả nghiên cứu “Vai trò của an sinh xã hội trong đảm bảo an ninh công việc cho lao động nữ tại các khu công nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Nghiên cứu trường hợp Thành phố Cần Thơ và Tỉnh Kiên Giang”, được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Vũ Hùng Cường - Viện trưởng Viện Thông tin KHXH là Trưởng nhóm cùng các thành viên từ Viện Thông tin KHXH và một số tổ chức nghiên cứu ở trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), kinh phí do Viện FNF Việt Nam tài trợ.
Tham dự hội thảo, về phía Viện FNF Việt Nam có bà Vanessa Steinmetz - Giám đốc, bà Lê Thị Thu Trang - cán bộ Quản lý Dự án, và bà Vũ Quỳnh Dương - cán bộ Dự án và Truyền thông.
Về phía Viện Thông tin KHXH có PGS.TS. Vũ Hùng Cường - Viện trưởng, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi - Phó Viện trưởng, PGS.TS. Lê Hải Đăng - Phó Viện trưởng, các nhà nghiên cứu và một số cán bộ chuyên môn có liên quan.
Các đại biểu khách mời tham dự hội thảo gồm: ThS. Lê Thị Sương Mai - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Cần Thơ, đại diện cho các nhà quản lý ở địa bàn nghiên cứu; bà Vũ Thị Vân Anh - chuyên viên Ban Hợp tác quốc tế Viện Hàn lâm; PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc - Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và TS. Lê Văn Hùng - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng tham dự với tư cách chuyên gia phản biện.
Các thành viên Nhóm nghiên cứu tham dự Hội thảo gồm: TS. Nguyễn Thị Thanh Hương (Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng), NCS. Trần Thị Thanh Tuyến (Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về Phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) và ThS. Ngô Thị Mai Diên (Viện Thông tin KHXH).
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các tổ chức nghiên cứu ở trong và ngoài Viện Hàn lâm và một số cơ quan, tổ chức truyền thông tại Hà Nội.
PGS.TS. Vũ Hùng Cường và PGS.TS. Trần Thị Minh Thi đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu chào mừng, khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi - Phó Viện trưởng Viện Thông tin KHXH nhận định, an sinh xã hội (ASXH) luôn là vấn đề được toàn bộ hệ thống chính trị quan tâm và nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian qua. Định hướng Chiến lược ASXH giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã tiếp nối 04 trụ cột được xác định trong Chiến lược ASXH giai đoạn 2012-2020: chính sách tạo việc làm và giảm nghèo, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách trợ giúp xã hội, và các dịch vụ xã hội cơ bản.
PGS.TS. Trần Thị Minh Thi đồng thời nhấn mạnh, cần xây dựng cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh mới, với yêu cầu đảm bảo cho mọi người dân đều thực sự có quyền được đảm bảo ASXH dựa trên các chuẩn mực quốc tế, phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Người lao động (NLĐ) nói chung và lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) nói riêng là một trong những đối tượng quan trọng nhất của các chính sách ASXH - các chính sách vốn có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo các phúc lợi xã hội, trợ giúp kịp thời cho NLĐ ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống. Vì vậy, nghiên cứu được thực hiện và hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ thực trạng an ninh công việc (ANCV), vai trò của ASXH trong đảm bảo ANCV cho lao động nữ tại các KCN vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) qua nghiên cứu trường hợp Thành phố Cần Thơ và Tỉnh Kiên Giang, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp chủ yếu hướng đích hoàn thiện chính sách ASXH, góp phần đảm bảo ANCV cho lao động nữ tại các KCN vùng ĐBSCL.
Hội thảo gồm hai phiên với 5 bài tham luận được trình bày. Phiên 1 “ANCV: Lý luận cơ bản và thực trạng đối với lao động nữ tại các KCN vùng ĐBSCL” gồm 02 bài tham luận: (i) Một số lý luận cơ bản về ANCV, ASXH, vai trò của ASXH trong đảm bảo ANCV và khái quát về địa bàn nghiên cứu, do ThS. Ngô Thị Mai Diên trình bày; (ii) Thực trạng ANCV và các yếu tố tác động đến ANCV của lao động nữ tại các KCN vùng ĐBSCL (kết quả khảo sát một số doanh nghiệp tại KCN Trà Nóc, Thành phố Cần Thơ và KCN Thạnh Lộc, Tỉnh Kiên Giang), do NCS Trần Thị Thanh Tuyến trình bày.
Phiên 2 “Thực trạng vai trò của ASXH trong đảm bảo ANCV cho lao động nữ tại các KCN vùng ĐBSCL và một số giải pháp” gồm 03 bài tham luận: (i) Vai trò của ASXH trong đảm bảo ANCV cho lao động nữ tại các KCN vùng ĐBSCL (kết quả khảo sát một số doanh nghiệp tại 02 KCN: Trà Nóc, Cần Thơ và Thạnh Lộc, Kiên Giang), do TS. Nguyễn Thị Thanh Hương trình bày; (ii) Tình hình ASXH, ANCV của lao động nữ tại các doanh nghiệp Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Cần Thơ, do ThS. Lê Thị Sương Mai trình bày; (iii) Một số giải pháp nhằm đảm bảo ANCV, hoàn thiện chính sách ASXH và nâng cao vai trò của ASXH trong đảm bảo ANCV cho lao động nữ tại các KCN vùng ĐBSCL, do PGS.TS. Vũ Hùng Cường trình bày.
Nội dung các bài tham luận đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia phản biện (PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Ngọc, TS. Lê Văn Hùng, PGS.TS. Trần Thị Minh Thi) cũng như các đại biểu tham dự hội thảo. Các chuyên gia phản biện, các khách mời và đại biểu tham dự hội thảo đều ghi nhận nỗ lực khẩn trương hoàn thành khối lượng lớn các công việc của nhóm nghiên cứu trong thời gian ngắn (2 tháng), kết quả nghiên cứu nghiêm túc và cơ bản sát với thực tiễn, góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để tư vấn hoàn thiện chính sách ASXH, góp phần đảm bảo ANCV đối với lao động nữ trong các doanh nghiệp KCN. Đồng thời trong quá trình thực hiện, các cuộc trao đổi ở địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng cho các nhà quản lý ở các Sở ban ngành của Thành phố Cần Thơ và Tỉnh Kiên Giang nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong đảm bảo thực hiện tốt chính sách ASXH ở các doanh nghiệp KCN, qua đó góp phần đảm bảo ANCV cho lao động nữ nói riêng và NLĐ nói chung. Các ý kiến đóng góp về mặt chuyên môn cũng được tích cực trao đổi, chia sẻ, hướng đích việc hoàn thiện báo cáo nghiên cứu cuối cùng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà nghiên cứu còn thảo luận, chia sẻ quan điểm, gợi mở các hướng nghiên cứu liên quan đến nhiều vấn đề như vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đảm bảo ANCV, ASXH cho NLĐ nói chung và lao động nữ trong KCN nói riêng; nhận thức của NLĐ về vị thế, vai trò của họ trong tổ chức Công đoàn; khả năng thích ứng của NLĐ đối với sự biến đổi về lao động - việc làm trong bối cảnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, theo đó lao động giản đơn sẽ nhanh chóng bị thay thế bằng máy móc tự động, đòi hỏi NLĐ phải được đào tạo trình độ tay nghề chuyên sâu, bài bản để đảm bảo ANCV.
Phát biểu tại hội thảo, bà Vanessa Steinmetz - Giám đốc Viện FNF Việt Nam đánh giá cao năng lực tổ chức thực hiện dự án của nhóm nghiên cứu và các kết quả nghiên cứu đã đạt được trong thời gian thực hiện rất ngắn, hy vọng kết quả này sẽ là nền tảng cho nhiều hợp tác nghiên cứu trong tương lai với các chủ đề quan trọng mà Viện FNF Việt Nam và Viện Thông tin KHXH cùng quan tâm, như dân chủ, tự do hóa thương mại, nâng cao quyền năng của phụ nữ, nâng cao năng lực chống chịu của phụ nữ trong bối cảnh chuyển đổi số.
Phát biểu kết luận, bế mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Thông tin KHXH, Trưởng nhóm nghiên cứu - PGS.TS. Vũ Hùng Cường trân trọng cảm ơn Viện FNF Việt Nam đã tài trợ và đồng hành cùng Viện Thông tin KHXH trong nỗ lực triển khai Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, sự ủng hộ và hỗ trợ của Lãnh đạo Viện Hàn lâm và Ban Hợp tác quốc tế, sự phối hợp chuẩn bị địa bàn khảo sát của Liên đoàn Lao động Thành phố Cần Thơ và Tỉnh Kiên Giang. Thỏa thuận hợp tác đã góp phần khẳng định sự thành công của mô hình hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện FNF Việt Nam và Viện Thông tin KHXH, của mô hình nhóm nghiên cứu được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa chuyên gia, cán bộ nghiên cứu của Viện Thông tin KHXH và các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm. Hội thảo cũng giúp mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên cơ sở mong muốn và tiềm năng của các bên liên quan trong thời gian tới.
Buổi hội thảo đã thành công tốt đẹp.
-PV-